(ĐSPL) - Tổng giám đốc TĐG đã chỉ đạo thuộc cấp phá vườn trồng cây có giá trị gần 1,4 tỷ đồng của người khác để phân lô, thửa xây dựng nhà ở.
Theo báo Công lý, ngày 9/12, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử các bị cáo Nguyễn Thiên Bắc (SN 1982, ở Vĩnh Phúc, nguyên Tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư TĐG), Lưu Chung Tuyến (SN 1989, ở Mê Linh, Hà Nội), Trần Hoài Sơn (SN 1984, ở Phú Thọ) và Trần Mạnh Hà (SN 1983, ở Vĩnh Phúc) về tội Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: báo Công lý |
Như báo VOV thông tin trước đó, theo kết quả điều tra bổ sung, bị can Nguyễn Tài Tùng (66 tuổi) và ông Lê Tiến Ngọ làm hợp đồng chuyển nhượng 9.360m2 đất tại khu đồng Hoa Cả, xã Thanh Liệt cho vợ chồng bà Phạm Thị Hảo (trú ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Sau khi mua diện tích đất trên, bà Hảo đã đổ đất, san lấp, cải tạo khu đất và thuê người chồng, chăm sóc 4.800 cây cảnh có trị giá gần 2,3 tỷ đồng.
Khoảng ba năm kể từ khi bà Hảo sở hữu hợp pháp mảnh đất này, Nguyễn Thiên Bắc ký hợp đồng liên doanh, liên kết với nội dung: “Công ty TĐG sẽ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lâu dài cho mảnh đất trên. Sau khi hoàn thành, ông Tùng có nghĩa vụ chuyển cho Công ty TĐG 50% diện tích đất, tương đương 4.680m2”.
Sau đó, Bắc và ông Tùng tiếp tục ký một phụ lục hợp đồng có nội dung: “Công ty TĐG được toàn quyền chia lô, thửa, tiến hành xây dựng các công trình nhà ở, huy động vốn đối với nhà đầu tư thứ cấp trên phần diện tích mà Công ty TĐG được quyền quản lý”.
Ngay sau khi ký phụ lục hợp đồng, Bắc đã triển khai dự án xây dựng khu biệt thự nhà vườn trên diện tích đất trên.
Khi tiến hành triển khai xây dựng, do khu đất trên có rất nhiều cây cảnh giá trị do chủ sở hữu hợp pháp là bà Hảo quản lý và sử dụng, Bắc đã chỉ đạo trợ lý của mình là Lưu Chung Tuyến (trú ở huyện Mê Linh, Hà Nội) chặt phá và Trần Hoài Sơn (quê Phú Thọ) có nhiệm vụ giám sát.
Tuyến liên hệ với Trần Mạnh Hà (quê Vĩnh Phúc) nhờ thuê người chặt cây và dọn sạch khu vườn của bà Hảo được nhiều người ngăn cản. Hơn 1.200 gốc cây trị giá gần 1,4 tỷ đồng đã bị các đối tượng phá hủy.
Cũng theo báo Công lý, trước đó, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử vụ án này nhưng bị cáo Tùng có giấy xác chứng nhận của bệnh viện đang điều trị bệnh tâm thần nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã họp và thống nhất tách rút phần tài liệu liên quan đến bị cáo Tùng để xử lý sau.
Tại phiên xét xử ngày 9/12, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo sớm được trở về với gia đình và sớm có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án các tình tiết liên quan, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Bắc 4 năm tù, bị cáo Tuyến 2 năm 6 tháng tù, bị cáo Sơn và bị cáo Hà cùng mức án 2 năm tù về tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009: 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Có tổ chức; B) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; C) Gây hậu quả nghiêm trọng; D) Để che giấu tội phạm khác; Đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; E) Tái phạm nguy hiểm; G) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)