+Aa-
    Zalo

    Phát triển nông sản địa phương và bài toán nâng tầm nông sản Việt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên Việt Nam lại ở vị trí không cao trong bảng xếp hạng về giá trị nông sản. Vì vậy, phát triển nông sản địa phương và xây dựng thương hiệu, nâng tầm cho nông sản Việt luôn được quan tâm.

    Nông sản Việt xuất khẩu nhiều nhưng chưa cao về giá trị

    Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, tác động của xung đột chính trị làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp tới việc tăng giá vật tư đầu vào,… song, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ.

    Trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp hướng tới phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ, phấn đấu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 55 tỷ USD.

    Thực tế cũng cho thấy, nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang gặp không ít thách thức. Là quốc gia nằm trong top đầu về xuất khẩu những mặt hàng gạo, cà phê, tiêu, trái cây,... Song, những sản phẩm nông sản Việt xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế vẫn còn khiêm tốn. Do chưa có thương hiệu nên nhiều loại nông sản Việt có sức cạnh tranh thấp so với sản phẩm đến từ các quốc gia khác. Điều này làm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản giảm đáng kể.

    81759a94b5c2729c2bd3
    Nông sản Việt vẫn gặp khó khăn khi xuất khẩu ra nước ngoài.

    Việc phụ thuộc nhiều vào nguồn vật tư nông nghiệp nhập khẩu, lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến tiêu thụ chậm chạp, tổn thất… khiến giá bán nông sản Việt Nam bị đẩy lên cao hơn so với các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia,...

    Bên cạnh đó, hạ tầng phân phối đảm bảo việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ở Việt Nam chưa được đồng bộ, phân bổ không hợp lý. Các trung tâm giao dịch hàng hóa, logistics, các sàn giao dịch tại chợ đầu mối chưa được thiết lập đạt tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

    Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Thường trực văn phòng điều phối nông thôn mới TP Hà Nội, đối với đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cần phải xác định rõ, dự tính rõ về thị trường, đặt hàng tiêu thụ như thế nào để đáp ứng đúng phân khúc thị trường đang cung cấp. “Các đơn vị cần phối hợp với Chi cục phát triển nông thôn, tích hợp từ nhu cầu đầu ra sản phẩm đến những công nghệ tương thích,.. để đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối và tiêu thụ sản phẩm mà vẫn phù hợp với trình độ quản lý, tổ chức sản xuất của người dân, tạo ra giá thành hợp lý nhất, hình thành sản phẩm nông sản có tính cạnh tranh”, ông Chí cho hay.

    Một nguyên nhân khác dẫn tới giá trị nông sản Việt thấp hơn là khi xuất khẩu chủ yếu dưới dạng sản phẩm thô, sơ chế, chất lượng không đồng đều. Công nghệ chế biến sau thu hoạch của Việt Nam còn kém, sản phẩm chế biến rất hạn chế. Hai mặt hàng của Việt Nam đứng top đầu thế giới về sản lượng là cà phê, hồ tiêu nhưng lại chủ yếu là xuất thô.

    Phát triển nông sản địa phương

    Muốn định hình và nâng tầm giá trị thương hiệu nông sản Việt trước hết trong sản xuất và thương mại, phải bắt đầu từ việc phát triển nông sản địa phương trong quy hoạch đồng bộ vùng sản xuất và gắn liền với định hướng thị trường, thực hiện phối hợp đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định thị trường. Tuy nhiên, sản xuất của các địa phương trên cả nước hầu hết vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản.

    Cũng có trường hợp doanh nghiệp không thể thuyết phục được người nông dân từ bỏ các phương thức sản xuất nông sản theo cách truyền thống, khiến sản phẩm không đạt các tiêu chí của phân khúc thị trường cao cấp, làm giá trị nông sản và không định hình được thương hiệu.

    Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH sản xuất - thương mại- xuất nhập khẩu D&T (D&T Group). Lựa chọn những nông sản tiêu biểu của Khánh Hòa như yến sào, bùn khoáng và rong nho để làm các sản phẩm chủ lực của mình, D&T Group mong muốn tận dụng những lợi thế để đưa nông sản địa phương phát triển nội địa và vươn tầm thế giới, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, khi muốn “lấn sân” sang Phú Yên- nơi có những điều kiện tự nhiên tương đồng với Khánh Hòa, dù được chính quyền địa phương rất ủng hộ dự án rong nho với diện tích 300ha, doanh nghiệp lại gặp thất bại khi tiếp cận người dân.

    “Tôi đã khóc vì tôi thấy được tương lai nhưng không thể thuyết phục bà con nông dân. Từ đó, tôi nghĩ rằng, muốn người dân thay đổi phải làm cho thấy và tính sẵn cho họ bài toán lợi nhuận. Vậy nên, chúng tôi đã đồng hành cùng người dân, hướng dẫn họ cách nuôi, cùng họ xuyên suốt quá trình khi rong nho có bệnh… cũng như bao tiêu đầu ra. Dần dần họ thấy sự ổn định và đồng hành cùng chúng tôi”, ông Nguyễn Quang Duy- Tổng Giám đốc D&T Group chia sẻ.

    2f125cf273a4b4faedb5
    Rong nho được D&T Group xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.

    Chính nhờ lựa chọn đúng nông sản địa phương, sâu sát với người nông dân trong quá trình sản xuất để tạo ra quy trình nuôi rong nho sạch, vượt qua mọi quy chuẩn khắt khe, D&T Group đã xuất khẩu ngược “trứng cá hồi xanh” sang Nhật. “Hiện tại, D&T Group đang xuất khẩu một số nông sản của Khánh Hòa sang các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật. Để tạo niềm tin và xây dựng được thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài, D&T luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt về chất lượng, trau chuốt về mặt mẫu mã bao bì, đạt được những tiêu chuẩn của nước ngoài. Đồng thời, nhà máy cũng phải đáp ứng những quy định mà nước bạn đưa ra”, ông Duy cho biết.

    Nâng tầm nông sản Việt vượt qua “tiểu ngạch”

    Từ trước đến nay, các thị trường truyền thống vẫn là nơi tiêu thụ đáng kể các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá nhiều vào những thị trường này khiến không ít lần xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa, nông sản tại khu vực cửa khẩu phía Bắc. Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để nông sản Việt sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới.

    Theo ông Tiến, phương châm của Bộ NN&PTNT là đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, từng bước giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hướng đến các thị trường tiềm năng có giá trị lớn.
    Để có nhiều thương hiệu nông sản Việt đứng vững ở thị trường trong và ngoài nước, có yêu cầu chất lượng cao như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, thì ngành nông nghiệp và các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội và sớm giải được bài toán thương hiệu.

    Hiện, nhiều tỉnh, thành cũng chú trọng vào công cuộc đẩy mạnh phát triển nông sản địa phương, nâng cao giá trị các mặt hàng qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động. Tại Hà Nội, với mục tiêu phát triển thương hiệu cũng như đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên địa bàn, TP đã tập trung phát triển chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”, thúc đẩy sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, sàn giao dịch điện tử qua đó giúp người tiêu dùng nhận biết, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội và cũng như các tỉnh TP khác, đồng thời tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật, các nước EU.

    Để phát triển một nền sản xuất nông sản thực phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao đem lại hiệu quả cho người sản xuất, thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao của tiêu dùng xã hội, giữ uy tín cho thương hiệu và nâng cao giá trị khi các mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước, từ địa phương đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất khẩu phải thực hiện các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đồng thời đẩy mạnh giám sát, cấp mã số vùng nuôi, trồng sản phẩm.

    Đối với việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức hệ thống, kênh phân phối nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần đẩy nhanh việc xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ; hình thành chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam; đẩy mạnh chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu tập thể, nhãn mác an toàn thực phẩm...

    Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cũng như ngành nông nghiệp, cùng sự nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, người nông dân,… có thể tin tưởng rằng, thương hiệu nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục đứng vững, tạo được vị thế mới tại nhiều thị trường quốc tế, thậm chí là các thị trường “khó tính” nhất trong thời gian không xa.

    Bạch Hiền

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số đặc biệt chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-trien-nong-san-dia-phuong-va-bai-toan-nang-tam-nong-san-viet-a553987.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nông sản: Từ đi bộ sang “tập bơi”

    Nông sản: Từ đi bộ sang “tập bơi”

    Khi ùn tắc nông sản ở các cửa khẩu đường bộ trở thành điểm nóng, người ta thắc mắc: Tại sao nông sản không đi đường biển, bây giờ chuyển sang đường biển được không?

    Mở cửa khẩu xuất nông sản chính ngạch sang Trung Quốc

    Mở cửa khẩu xuất nông sản chính ngạch sang Trung Quốc

    Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành tập trung triển khai một số nhiệm vụ cấp bách để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.