Hôm 29/9, nhà máy nhiệt điện Ratcliffe-on-Soar, Nottinghamshire, nơi cung cấp điện cho cả Vương quốc Anh trong 57 năm qua đã đóng cửa. Sự kiện này kết thúc 142 năm phụ thuộc vào than đá của xứ sở sương mù kể từ năm 1882 khi nhà máy điện chạy bằng than đầu tiên trên thế giới chính thức hoạt động tại London.
Lợi ích từ việc Anh “nói không” với sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện không chỉ kéo giảm đáng kể lượng khí thải carbon mà năng lượng gió và năng lượng mặt trời thay thế sẽ tiết kiệm được khoảng 2,9 tỷ bảng Anh/năm.
Mong muốn có một hệ thống điện hoàn toàn không phát thải carbon vào năm 2030. Do đó, Anh quyết định “khai từ” nhà máy nhiệt điện Ratcliffe-on-Soar là cam kết vững chắc chứng minh quốc gia này tích cực hướng tới việc chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Cần nhất quán chủ trương và chính sách cho chuyển đổi
Nguồn gốc của năng lượng tái tạo là từ tự nhiên và không giới hạn. Nắng - gió là những nguồn năng lượng sạch ngày càng được sử dụng phổ biến trên toàn cầu.
Lãnh thổ đất nước ta nằm trọn trong vùng nhiệt đới, có lượng bức xạ mặt trời rất lớn với số giờ nắng từ 1.400 - 3.000 giờ/năm. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đã ban tặng cho Việt Nam những lợi thế rất lớn để phát triển điện sạch.
Điều kiện cần và đủ để quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo diễn ra nhanh chóng là phải được hỗ trợ bởi các chính sách, cam kết khử cacbon, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư “xông” vào phát triển điện gió và điện mặt trời.
Các nước đang phát triển dẫn đầu chuyển đổi năng lượng là Lebanon, Ethiopia, Tanzania, Zimbabwe và Nam Phi. Những quốc gia này cam kết giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, phân cấp năng lượng tái tạo và tăng số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Trong danh sách trên, Việt Nam đứng thứ 32. Từ năm 2017, để thúc đẩy phát triển điện gió, điện mặt trời, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Quy hoạch điện 8 về chiến lược phát triển điện. Nhưng vẫn còn ưu tiên cho phát triển năng lượng hoá thạch.
Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí metan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Những cam kết này được xây dựng trong bối cảnh sự phát triển tích cực của năng lượng mặt trời và điện gió, nhu cầu đảm bảo khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong một thế giới phát thải các-bon thấp và mang tính bền vững về môi trường là chìa khóa để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trước đó, năm 2020, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 55 về “Định hướng Chiến lược Phát triển Quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” tạo cơ sở chính trị cho Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Mặc dù đã có những định hướng phát triển, song năng lượng tái tạo vẫn còn trong quá trình phôi thai, các chính sách chưa nhất quán, các Bộ ngành vẫn còn lúng túng chưa kịp thời ban hành các Thông tư hướng dẫn khiến doanh nghiệp điện sạch gặp nhiều khó khăn.
Cho đến nay, vẫn còn nhiều dự án điện sạch chưa gỡ xong mớ bòng bong thủ tục cho dù đã có chỉ đạo cho các Bộ, ngành, các địa phương cùng phối hợp thực hiện tháo khó cho doanh nghiệp.
Vì một thế giới sạch hơn, bình yên hơn
Trong khi quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo đang được đẩy nhanh trên toàn cầu, tạo ra làn sóng chuyển đổi xanh hữu ích với các cam kết mạnh mẽ của nhiều quốc gia, thì ở nước ta năng lượng tái tạo đang có nhiều điểm nghẽn.
Có thể thấy, ích lợi từ năng lượng sạch mang lại đã rõ nhưng quá trình chuyển đổi không phải là con đường trải toàn hoa hồng. Rất nhiều thách thức về công nghệ, tài chính xanh, phát triển nguồn nhân lực, quản trị. Tuy nhiên, điểm chung nhất vẫn là các chính sách khuyến khích đang chồng chéo, thiếu tầm nhìn chiến lược và có phần định kiến duy ý chí về năng lượng sạch.