Chỉ 5 năm tiếp theo, thị trấn mờ sương lại tiếp tục có những kỷ lục tăng trưởng mới, nhưng quan trọng hơn, Sa Pa đã có những đổi thay mang giá trị bền vững, lâu dài.
Văn hóa là nguồn cội hấp dẫn
Nhiều năm trước, Sa Pa vốn là nơi “nghe tên là người ta chỉ nghĩ tới việc nghỉ ngơi”. Dịp lễ hội 100 năm Sa Pa, thị trấn quá tải với 10 nghìn du khách. Ban tổ chức phải vận động các nhà dân cho khách nghỉ dưới dạng phòng tập thể và huy động thêm 40 lều bạt để đáp ứng nhu cầu lưu trú tăng cao. Đó là thời điểm mà thị trấn chỉ đếm trên đầu ngón tay những khách sạn đủ tiêu chuẩn và gần như dậm chân tại chỗ trong việc khai thác giá trị văn hoá bản địa đầy màu sắc tại đây. Sa Pa khi ấy, ngoài Fansipan, Ô Quy Hồ cùng một chợ tình đang đối mặt với sự phai nhạt, níu giữ du khách chỉ nhờ vào “tài nguyên” khí hậu trong trẻo với núi rừng hoang sơ, những thửa ruộng bậc thang và trời mây bảng lảng.
Những thay đổi của Sa Pa thực sự được đánh dấu, kể từ khi cáp treo lên đỉnh Fansipan ra đời. 5 năm sau ngày tuyến cáp khánh thành và khu du lịch Sun World Fansipan Lengend đi vào hoạt động, dưới chân nóc nhà Đông Dương đã hình thành một điểm đến đặc sắc thấm đẫm sắc màu Tây Bắc từ văn hoá đến thiên nhiên.
Tại đây, du khách như lạc vào một không gian văn hoá bản địa, với những mái nhà người Mông, hoạ tiết, hoa văn trên váy áo người Dao ẩn mình tinh tế trong những kiến trúc của các công trình. Du khách cũng không còn phải chờ đến tận 10 năm cho một lễ kỷ niệm, để được thưởng thức sự hội tụ của những tinh hoa văn hoá dân tộc, bởi các lễ hội diễn ra quanh năm, như một bữa tiệc luôn sẵn món ngon để mời gọi du khách. Lễ hội Khèn hoa với cuộc thi múa khèn của những “nghệ sỹ” dân tộc hàng đầu tổ chức đầu năm mới. Lễ hội ẩm thực hội tụ hàng trăm món ngon sơn cước như thắng cố, xôi ngũ sắc, rượu nếp nương… Hay giải đua Vó ngựa trên mây tái hiện lại một thời kiêu hùng của những “kỵ sỹ” vùng cao … Đặc biệt, chỉ duy nhất tại Sun World Fansian Legend, du khách mới có cơ hội được thưởng thức chương trình nghệ thuật độc đáo Vũ điệu trên mây, một “sự chắt chiu văn hóa Tây Bắc tỉ mỉ và sâu sắc, dựa vào những giá trị độc đáo, khác biệt mà chỉ miền biên viễn mới có được”- như đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã khẳng định.
Và như một hiệu ứng domino, những giá trị bản địa đã và đang dần dần được người làm du lịch ở Sa Pa khôi phục và lan toả nhiều hơn, dưới những góc nhìn mới mẻ hơn. Những Hợp tác xã cộng đồng ở Tả Phìn, Tả Van, Sử Pán…lần lượt hoạt động trở lại mạnh mẽ, kéo theo đó là nhiều kế hoạch mang văn hoá Tây Bắc mở rộng tới không chỉ trong nước và quốc tế.
Giá trị của sự thay đổi không đến từ những con số
Sự xuất hiện của KDL Sun World Fansipan Lengend tại Sa Pa cũng đã mang lại cho địa danh này vô số danh hiệu và giải thưởng. Ngay khi vừa khánh thành, tổ chức kỷ lục Guinness thế giới đã ghi nhận hai kỷ lục cho hệ thống cáp treo Fansipan: “Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m)” và “Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.292,5 m)”.
Suốt 5 năm qua, khu du lịch không ngừng xác lập thêm nhiều kỷ lục Việt Nam như "Màn nhảy sạp có số lượng người tham gia lớn nhất từ trước tới nay", “Tàu hoả leo núi dài nhất Việt Nam” cho tàu hoả leo núi Mường Hoa; “Show diễn nghệ thuật thể hiện đặc trưng văn hóa Tây Bắc độc đáo nhất Việt Nam” dành cho Vũ điệu trên mây; “Thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam” dành cho thung lũng hoa tại ga đi cáp treo Fansipan. Ngày 21/4, Đại tượng Phật A Di Đà tại quần thể tâm linh Fansipan cũng đã nhận kỷ lục “Tượng Phật A Di Đà bằng đồng toạ lạc ở độ cao cao nhất Việt Nam” và “Tượng Phật A Di Đà bằng đồng toạ lạc ở độ cao cao nhất Châu Á”.
Bên cạnh đó, giải Oscar ngành du lịch – World Travel Awards - cũng đã vinh danh Sun World Fansipan Legend là “Điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam năm 2019, 2020”; “Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng đầu Thế giới 2019, 2020” và “Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới 2020”.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND Lào Cao nhận định trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày khánh thành cáp treo Fansipan: “Sự xuất hiện của KDL Sun World Fansipan Legend và tập đoàn Sun Group không chỉ góp phần đem đến sự tăng trưởng bứt phá ngoạn mục cho ngành du lịch địa phương, mà còn trở thành tiền đề cho hành trình thay đổi diện mạo du lịch Sa Pa”. Chỉ sau 5 năm, tỷ lệ tăng trưởng du khách tới Lào Cai lên tới 144% (giai đoạn từ năm 2015 đến 2019). Ngay cả trong lúc cả thế giới đều đang chịu tổn thất nặng nề của đại dịch Covid-19, du khách tới Sa Pa vẫn ghi nhận tín hiệu khả quan. Năm 2020, lượng du khách đến Sa Pa vẫn tăng tới 163%.
Nhưng giá trị của cuộc đổi thay đâu chỉ được đánh giá bằng những con số. Khi ngồi trên chuyến tàu hoả leo núi Mường Hoa, chiêm ngưỡng cả di sản ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới thu vào tầm mắt, lướt cáp treo ngắm trập trùng núi rừng, làng bản, hay khi đứng trên đỉnh Fansipan lộng gió để được tự hào trước giang sơn gấm vóc Việt, người ta mới thấy hết giá trị thật sự của những sản phẩm du lịch được đầu tư bài bản, cùng sự tận tâm của những người làm du lịch đang ngày ngày đu dây nhặt rác, trồng hoa trên đá, xoá những điểm đen về cảnh quan, môi trường, chăm sóc, tô điểm cho đại ngàn Hoàng Liên Sơn … Đó là những giá trị bền vững, khi cảnh quan thiên nhiên được nâng niu giữ gìn, khi văn hóa bản địa được nâng tầm.
Thu Hà