+Aa-
    Zalo

    Phạt người buôn bán mỹ phẩm tự chế qua mạng thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thời gian qua, cùng với sự phát triển của mạng xã hội là việc bùng nổ xu hướng bán mỹ phẩm tự chế trên mạng.

    (ĐSPL) - Thời gian qua, cùng với sự phát triển của mạng xã hội là việc bùng nổ xu hướng bán mỹ phẩm tự chế trên mạng.
    Từ những thứ đơn giản như dầu dừa cho tới phức tạp hơn như phấn trang điểm, kem dưỡng da, kem chống nắng... đều được bán tràn lan. Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, cục Quản lý Dược (bộ Y tế) cho biết, sắp tới, những tổ chức, cá nhân buôn bán mỹ phẩm tự chế sẽ bị xử phạt.
    Ai kiểm định chất lượng mỹ phẩm tự chế?
    Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “mỹ phẩm tự chế” là Google cho ra hơn một triệu kết quả tìm kiếm trong nháy mắt với đủ các loại, từ buôn bán cho tới hướng dẫn cách làm tại gia. Nói như vậy để thấy rằng, mỹ phẩm tự chế đang trở thành một xu hướng kinh doanh phổ biến, được nhiều chị em lựa chọn. Ấy thế nhưng, độ an toàn của những sản phẩm này vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn và đã có nhiều trường hợp “rước họa” vì tin dùng mỹ phẩm tự chế.

    Cách làm mỹ phẩm tự chế được chia sẻ trên một diễn đàn.

    Bác sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Hầu như tháng nào khoa cũng tiếp nhận các ca dị ứng mỹ phẩm. Nhẹ thì chỉ sẩn ngứa vùng da bôi mỹ phẩm, viêm da dị ứng. Nặng hơn thì có thể gây lở loét, thậm chí lan ra cả vùng, thành phản ứng toàn thân. Trong khi đó, mỹ phẩm ở nước ta phần lớn theo thống kê không đạt tiêu chuẩn, có loại làm trá hình, hết hạn”.
    Lướt qua một số trang web chuyên quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm tự chế, chúng tôi được biết, giá mỹ phẩm tự chế rẻ hơn rất nhiều so với thông thường. Diễn đàn của những người thích làm mỹ phẩm tự chế trên mạng facebook thường tung các sản phẩm tự chế rồi tiến hành giao dịch trực tiếp. Tìm hiểu của PV báo ĐS&PL được biết, tại diễn đàn này, son dưỡng tự chế có giá từ 60.000 - 120.000 đồng/thỏi (lọ), son màu 80.000 - 190.000 đồng/thỏi, các loại nước hoa, kem dưỡng cũng có giá chỉ bằng một nửa giá sản phẩm thông thường.
    Xem thêm video: Video: Thu giữ 1,5 tấn hóa chất phụ gia thực phẩm độc hại.


    Trong khi đó, một cửa hàng mỹ phẩm tự nhận chuyên buôn bán mỹ phẩm ngoại nhập có trụ sở ở Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội nhưng giá sản phẩm rẻ bất ngờ, có giá dao động từ 70.000 – 400.000 đồng tùy sản phẩm và chủng loại. Nếu so sánh giá với những mỹ phẩm tự chế, rõ ràng những mỹ phẩm ngoại nhập này cũng không chênh lệch bao nhiêu?
    Vấn đề đặt ra hiện nay là chưa có ai kiểm định chất lượng mỹ phẩm tự chế và tất cả đều phụ thuộc vào tính uy tín của người bán. Trong khi đó, tại tất cả những địa chỉ bán mỹ phẩm tự chế mà PV báo ĐS&PL liên hệ, người bán đều khẳng định, nguồn gốc cũng như quá trình chế biến đảm bảo an toàn.
    Anh Hiếu – người tự nhận là chủ thương hiệu son dưỡng môi Vega Beauty - nhãn hiệu mỹ phẩm tự chế của một nhóm bạn trẻ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Các nguyên liệu của chúng tôi đều là các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên như tinh dầu nguyên chất, sáp ong, dầu dừa, bơ shea, màu thực phẩm... được mua tại các địa chỉ tin cậy. Bản thân chất lượng sản phẩm của chúng tôi đã được kiểm chứng qua thời gian, khách hàng đều có phản hồi tốt. Chúng tôi còn mở cả dịch vụ dạy làm mỹ phẩm cho những khách hàng có nhu cầu”.
    Phạt người buôn bán mỹ phẩm tự chế qua mạng thế nào?
    Trước tình trạng mỹ phẩm tự chế được rao bán tràn lan trên mạng, không được kiểm định về chất lượng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, lãnh đạo cục Quản lý Dược (bộ Y tế) mới đây cho biết, sẽ siết chặt quản lý mặt hàng này.
    Theo đó, Thông tư số 06/2011/TT-BYT của bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm đã chỉ rõ, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Khi đưa bất cứ mỹ phẩm nào ra thị trường, sản phẩm phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận các cá nhân, tổ chức đưa sản phẩm ra lưu thông theo quy định, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.
    Cục Quản lý Dược cũng lúng túng?
    Chúng tôi đã liên lạc với phòng Quản lý mỹ phẩm, cục Quản lý Dược để trao đổi các thông tin liên quan đến việc kiểm tra, xử lý các hoạt động xử phạt tổ chức, cá nhân pha chế, kinh doanh các loại mỹ phẩm không tuân thủ nguyên tắc quản lý, đặc biệt là khi các sản phẩm này chủ yếu buôn bán theo kiểu “trao tay” qua các mạng xã hội như Facebook, các diễn đàn… Tuy nhiên, lãnh đạo phòng quản lý mỹ phẩm cho biết đang bận họp nên không trả lời được!
    Đối với những người vi phạm, mức xử phạt sẽ theo Nghị định 176 của Chính phủ. Trong đó, hành vi không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Hành vi sản xuất mỹ phẩm không đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng. Tất cả sản phẩm vi phạm sẽ bị buộc tiêu hủy.
    Trao đổi về vấn đề này với PV báo ĐS&PL, ông Hà Hào Hiệp, nguyên Phó chánh Thanh tra (bộ Y tế) cho rằng: “Hiện nay chúng ta đã có đủ các chế tài quản lý cũng như xử phạt, từ luật cho tới Thông tư hướng dẫn, Nghị định xử phạt. Việc sản xuất mỹ phẩm cũng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn về Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm. Thế nhưng hiện nay, các cơ quan chức năng mới kiểm soát những nhà máy sản xuất quy mô, có dây chuyền đạt chuẩn và nhân lực đảm bảo, còn hàng trôi nổi bán ở chợ thì không thể kiểm soát. Việc này cần có sự chung tay của các đơn vị quản lý thị trường”.
    Ông Hà Hào Hiệp cũng cho biết, việc hoá, mỹ phẩm rởm gây hậu quả nghiêm trọng (ví dụ như gây chết người) có thể bị xử lý tội hình sự. Người mua phải mỹ phẩm giả, giả nhãn mác, giả chất lượng có hoá đơn hàng hoá nhưng khi sử dụng gây dị ứng, phải đi bệnh viện thì dễ xử lý. Nhưng đối với những người mua bán theo kiểu tiếp thị qua diễn đàn, qua facebook..., khó có thể kiểm tra xử lý được các cá nhân hoặc tổ chức sản xuất, buôn bán.
    Bởi, hiện nay, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm chỉ đăng ký kinh doanh qua sở Kế hoạch - Đầu tư hoặc các cơ quan chức năng ở địa phương, sau đó, họ tự công bố sản phẩm rồi mới đăng ký ở ngành y tế. Thực chất, ngành y tế chỉ lo hậu kiểm mà thôi. Do đó, việc buôn bán qua mạng xã hội theo kiểu truyền tai nhau càng khó kiểm tra, xử lý.    
    Trao đổi thêm về tính khả thi đối với việc xử phạt người buôn bán mỹ phẩm tự chế, luật sư Nguyễn Văn Đức (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Việc xử lý đối với những đối tượng buôn bán mỹ phẩm chưa được cấp phép đã được quy định rất rõ. Nhưng vấn đề xử phạt hiện nay vẫn bị vướng bởi công tác thanh, kiểm tra chưa thực sự tốt. Đối với những cơ sở buôn bán mỹ phẩm có địa chỉ rõ ràng đã khó, với những hình thức buôn bán qua mạng xã hội sẽ càng khó hơn”.

    THIỆU THƠM

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-nguoi-buon-ban-my-pham-tu-che-qua-mang-the-nao-a90523.html
    Phát hoảng với mỹ phẩm chứa hoạt chất corticoid

    Phát hoảng với mỹ phẩm chứa hoạt chất corticoid

    (ĐSPL) - Đánh trúng vào tâm lý của phụ nữ mong muốn có làn da trắng, đẹp tức thì một số nhà sản xuất, kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm đã sử dụng một số hoạt chất độc hại để pha chế. Thế là sau cái đẹp tức thì ấy, nhiều phụ nữ đã bị phản ứng da, gây tổn hại nặng nề về sức khỏe.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Phát hoảng với mỹ phẩm chứa hoạt chất corticoid

    Phát hoảng với mỹ phẩm chứa hoạt chất corticoid

    (ĐSPL) - Đánh trúng vào tâm lý của phụ nữ mong muốn có làn da trắng, đẹp tức thì một số nhà sản xuất, kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm đã sử dụng một số hoạt chất độc hại để pha chế. Thế là sau cái đẹp tức thì ấy, nhiều phụ nữ đã bị phản ứng da, gây tổn hại nặng nề về sức khỏe.

    Nguy cơ ung thư từ mỹ phẩm

    Nguy cơ ung thư từ mỹ phẩm

    Tại Việt Nam, bệnh ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp nhất., với tỷ lệ trung bình 2,9- 4,5 ca/10.000 dân. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo.