Tam giác quỷ Bermuda là khu vực ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Mỹ, gắn liền với nhiều câu chuyện về những vụ mất tích bí ẩn của hàng chục chiếc máy bay và chiến đấu cơ. Tam giác quỷ Bermuda có diện tích khá lớn, từ 500.000-1.500.000 dặm vuông nhưng lại không xuất hiện trên bản đồ thế giới chính thức. Ranh giới của khu vực này kéo dài từ bang Florida (Mỹ) đến các đảo Greater Antilles tới Bermuda.
Trong 200 năm qua, khoảng 50 con tàu và 20 chiếc máy bay được báo cáo biến mất bí ẩn khi đi qua khu vực Tam giác quỷ Bermuda. Đáng nói, có nhiều sự cố không thể được lý giải bằng khoa học.
Trong đó, vụ mất tích của chuyến bay 19 thuộc Hải quân Mỹ là vụ việc nổi tiếng nhất, khiến Tam giác quỷ Bermuda được nhiều người biến đến là khu vực kỳ lạ. Cụ thể, phi đội thực hiện nhiệm vụ ngày hôm ấy gồm 5 chiếc máy bay và phi hành đoàn 14 người đã biến mất tại Tam giác quỷ Bermuda ngay sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc và không bao giờ được tìm thấy.
Năm ngoái, một nhóm điều tra viên đã cùng nhau tìm cách giải quyết vụ mất tích của chuyến bay 19, một trong những bí ẩn khó lý giải nhất tại Tam giác quỷ Bermuda. Những nỗ lực của nhóm đã được ghi lại trong loạt phim tài liệu "Những bí ẩn vĩ đại nhất trong lịch sử".
Chương trình đã liên hệ với trưởng nhóm nghiên cứu Rob Kraft, người dẫn đầu sứ mệnh trên tàu nghiên cứu công nghệ cao RV Petrel. Bộ phim tài liệu giải thích cách đội của ông Kraft trên tàu Petrel thực hiện những khám phá lớn dưới đáy biển sâu.
Cụ thể, vào năm 2018, ông và các đồng nghiệp của mình đã tìm thấy mảnh vỡ của tàu sân bay USS Lexington. Con tàu bị đánh chìm vào năm 1942 trong Thế chiến thứ 2, cùng với 35 máy bay, cách bờ biển phía Đông Australia khoảng 500 dặm. Tổng cộng 216 người của thủy thủ đoàn gần 3.000 người khác trên tàu đã thiệt mạng khi con tàu bị chìm sau cuộc tấn công bằng ngư lôi của quân đội Nhật Bản.
Khám phá về chiếc Lexington hiện đã ảnh hưởng tới cuộc truy tìm chiếc máy bay số 19 mất tích. Trong đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy chiếc máy bay Lexington F4F Wildcat bị chìm vẫn được bảo quản trong tình trạng gần như mới dưới đáy đại dương. Điều này là do sự xói mòn đã chậm lại trong môi trường biển sâu vì thiếu oxy.
Bộ phim tài liệu cũng đã phỏng vấn ông Paul Mayer, kỹ thuật viên chính của đội ông Petrel, người đã giải thích quá trình này. Ông nói rằng việc lớp sơn và xác máy bay được bảo quản gần như mới dưới đáy biển sẽ giúp các chuyên gia cùng nhau đưa ra ý tưởng về việc chiếc máy bay 19 sẽ trông như thế nào nếu được tìm thấy.
Minh Hạnh (Theo Express)