(ĐSPL) - Trong lúc đào ao, gia đình ông Đỗ Văn Hiển (thôn 2, xã Hà Yên, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá) phát hiện một chiếc trống đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn muộn.
Ông Đỗ Văn Hiển cho biết khoảng 16h ngày 9/11, trong lúc gia đình dùng máy xúc để đào ao nuôi trồng thủy sản tại khu vực dự án hàng cây Cửa Đình có đụng phải trống đồng, sau đó nhanh chóng báo cáo chính quyền và tự nguyện giao nộp cho công an huyện Hà Trung.
Chiếc trống đồng được phát hiện. Ảnh Giáo dục thời đại. |
Qua đánh giá kiểm định của bảo tàng Thanh Hóa, hiện trạng của chiếc trống đồng đã bị bẹp dập, vỡ mất mảnh vài chỗ ở toàn thân.
Trống có kích thước đường kính mặt 43 cm; đường kính đáy 42 cm; cao 33 cm; trọng lượng: 10 kg.
Mặt trống chính giữa là ngôi sao có 8 cánh mập, xen giữa các cánh sao là vạch chéo song song. Tính từ tâm ra có 7 vòng hoa văn, rìa mặt trống có 4 khối tượng cóc (đã mất 1 khối) quay ngược chiều kim đồng hồ.
Trống trang trí các loại hoa văn vạch ngắn song song, vòng tròn kép có chấm giữa, 4 chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ ở mặt.
Xem video:
Video: Trống đồng Đông Sơn - Nét văn hóa của người Việt Cổ
Tin tức từ báo Tri thức trực tuyến, bà Nguyễn Thanh Hiền - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa xác nhận, đây là chiếc trống đồng Hà Yên (Loại I Heger) có niên đại khoảng 2000 năm, thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn muộn.
Về nguyên nhân của việc trống đồng bị biến dạng khi được tìm thấy, bà Nguyễn Thanh Hiền lý giải, theo tài liệu nghiên cứu, khi trong gia đình có người thân qua đời, người xưa trước khi chôn đồ vật xuống đất thì thường đập méo, phá vỡ hiện vật để người chết có thể sử dụng. Đây là chiếc trống cực kỳ quý hiếm, có giá trị lịch sử cao.
Lãnh đạo Bảo tàng hiện đã lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định khen thưởng người tìm thấy cổ vật.