(ĐSPL) - Đang khoẻ mạnh, bà P.T.T (65 tuổi) ở Trực Ninh, Nam Định giật mình phát hiện dưới mu bàn tay phải một “sinh vật lạ” giống giun lươn bò ngoe nguẩy dưới da.
Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ ở Nam Định nhập viện trong tình trạng xuất hiện đường ngoằn nghèo, màu đỏ sẫm giống như giun lươn di chuyển dưới da mu bàn tay phải.
Bác sỹ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết: Trước khi nhập viện bệnh nhân T. có nhổ cỏ trong vườn nhà và không đeo găng tay, không dùng dụng cụ bảo hộ lao động. Sau khoảng một ngày, bàn tay phải của bệnh nhân xuất hiện nốt mẩn đỏ, ngứa quanh ngón út, da tay bị tổn thương tạo thành một đường vệt dài, ngoằn nghèo nhìn trông giống giun ẩn dưới da.
Nằm điều trị tại viện, bà T. kể, khoảng 4- 5 ngày trước bà có đi nhổ cỏ và nhổ lạc trong vườn. Đến tối thì thấy tay phải nổi nhiều mụn đỏ ngứa râm ran. "Cứ nghĩ chỉ là mụn nước thông thường nên chỉ ngâm nước muối mà không dùng thuốc", bà T. cho hay.
|
Ấu trùng giống giun lươn di chuyển dưới mu bàn tay bà T. |
Bà T bảo: "Ban đầu chỉ ngứa râm ran nên ngâm nước muối lại hết ngứa. Tuy nhiên sáng hôm sau ngủ dậy giật mình thấy bàn tay xuất hiện hình con giun dưới tay. Càng ngày vết ngứa càng lan rộng dày và cộm lên. Lo lắng, các con đưa bà T. đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương để được thăm khám.
Quá trình điều trị, bác sĩ Trần Huy Thọ chẩn đoán, bệnh nhân T. bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da. Qua xét nghiệm, thì đây không phải là giun lươn như nhiều người vẫn nghĩ bởi giun lươn thường xảy ra là một bệnh ký sinh trùng ở đường ruột do người bệnh ăn phải những thức ăn chưa được nấu chín.
Căn cứ vào phim chụp, các bác sỹ đánh giá, nguyên nhân nhiễm ấu trùng do bà T. làm cỏ không đeo găng tay dẫn đến ấu trùng xâm nhập trực tiếp vào da tay.
Bác sỹ Thọ lý giải, bệnh ấu trùng da di chuyển là một bệnh nhiễm trùng da do âu trùng giun móc từ động vật có thể là chó, mèo…
Khi chó mèo đi ngoài ra phân, phân sẽ phân hủy ra ngoài môi trường và phát triển thành ấu trùng.
|
Bệnh ấu trùng di chuyển dưới da có thể tự khỏi trong vòng 4-8 tuần
|
Con người có thể bị nhiễm ấu trùng khi tay hoặc chân trần tiếp tiếp xúc trực với nền đất ẩm ướt, bị ô nhiễm bởi phân động vật. Khi tiếp xúc qua da, ấu trùng này di chuyển ký sinh dưới bề mặt da và “đào hang” tạo những mụn đỏ sần sùi, gây cảm giác ngứa, rát.
Ngoài ra, ấu trùng có thể xâm nhập thông qua nang lông, vết nứt da hoặc thậm chí da còn nguyên vẹn. Sau vài ngày, ấu trùng di chuyển dưới ra sẽ tạo nên đường hầm rộng, khoảng từ 3 – 4 cm. Các vị trí thường bị ảnh hưởng là bàn chân, các khe ngón chân, bàn tay, đầu gối và mông hoặc bất kỳ phần nào của cơ thể nếu tiếp xúc với đất bẩn.
Khi đã xâm nhập qua da, nếu càng nhiều ấu trùng xâm nhập thì tổn thương biểu hiện ngoằn ngoèo, quanh co tạo nên những đường viện đậm như giun.
Tuy nhiên trong cơ thể người, ấu trùng này không thể xâm nhập vào lớp trung bì nên bệnh chỉ giới hạn ở lớp ngoài biểu bì da. Bệnh này có thẻ tự khỏi, các tổn thương sẽ tự khỏi trong vòng 4-8 tuần. nhưng khi điều trị kết hợp với dùng thuốc kết hợp với kháng sinh tỉ lệ vết thương sẽ lành nhanh hơn, rút ngắn thời gian bệnh.
Bác sỹ Thọ khuyến cáo, những người ở nông thôn thường có thói quen không đeo những dụng cụ bảo hộ đi làm đồng vì họ cho rằng dụng cụ bảo hộ dày và khó làm nên khả năng nhiễm ấu trùng là rất lớn. Vì vậy người dân cần ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ bản thân, tránh tiếp xúc với môi trường có phân động vật. Đặc biệt, khi lao động xong phải vệ sinh sạch sẽ, nên ăn chín uống sôi để tránh phát sinh những vi khuẩn xâm nhập.
|
Bác sỹ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương. |
Bác sĩ Thọ chia sẻ, Viện cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân Đ.V.D. ở Phú Thọ nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ vùng trung rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Trước đó, anh D. đã đi khám ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Bệnh nhân được chuyển đến viện sốt rét trong tình trạng nôn nhiều, suy kiệt, sụt cân, siêu âm có dịch trong ổ bụng, soi dạ dày có hình ảnh giun tròn ở niêm mạc dạ dày. Xét nghiệm phân có ấu trùng giun lươn.
“Giun lươn là loại giun tròn nguy hiểm bậc nhất trong các loại ký sinh trùng, gây rối loạn đường tiêu hóa ở người, chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể dó quá trình tự nhiễm. Khi bệnh nhân mắc bệnh này sẽ sút cân nhanh chóng do không hấp thụ được thức ăn, bệnh gây ra nhiều biến chứng cỏ thể nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Thọ cho biết.
Link bài gốc Lấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-sinh-vat-la-ngoe-nguay-duoi-mu-ban-tay-a41409.html