(ĐSPL) - Xuân Thắng là một xã nghèo của huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa), trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135, một số cán bộ trong ban lãnh đạo xã đã có những biểu hiện khuất tất trong việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.
Chương trình 135 là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2006 - 2010. Nhờ Chương trình 135, nhiều năm qua hạ tầng cơ sở ở các xã miền núi của huyện Thường Xuân như Xuân Thắng, Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Luận Khê… đã có những thay đổi tích cực hơn. Hệ thống điện, đường giao thông, trường học được đầu tư và nhờ đó mà nhiều người dân nghèo có nhà ở, có vốn làm ăn phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xã Xuân Thắng, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135, một số cán bộ trong ban lãnh đạo xã đã có những biểu hiện khuất tất trong việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Điều này gây nên tâm lý bức xúc trong người dân.
|
Công sở xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) |
Từ năm 2008 - 2010, Chương trình 135 hỗ trợ người nghèo xã Xuân Thắng 23 con trâu bò, mỗi con trị giá 5 triệu đồng. Vậy nhưng, những hộ dân nghèo đã được bình xét nhận bò lại không có bò nuôi, trong khi đó bò lại được trao không đúng đối tượng.
Qua tìm hiểu được biết, trong quá trình thực hiện chính sách, xã Xuân Thắng đã thành lập ban quản lý dự án do ông Vi Hồng Quang làm trưởng ban chỉ đạo, khi đó giữ chức chủ tịch UBND xã (nay giữ chức chủ tịch MTTQ xã). Mặc dù xã đã đưa vấn đề hỗ trợ sản xuất ra bàn bạc, bình xét cụ thể trong các cuộc họp dân ở từng thôn bản nhưng trong quá trình thực hiện chỉ có 9 con trâu, bò được cấp cho các hộ dân. Điều đáng nói là những hộ được cấp lại không đúng đối tượng đã bình xét. Còn 14 con trâu, bò tương đương với số tiền 70 triệu đồng đã được ông Vi Hồng Quang và ông Vi Thanh Tuyết, kế toán trưởng lập hồ sơ quyết toán khống để hợp thức hóa: hỗ trợ thôn Dín làm đường giao thông nông thôn 22 triệu đồng và hỗ trợ UBND xã làm nhà vệ sinh công cộng 15 triệu đồng... Trên thực tế, việc thôn Dín làm đường giao thông nông thôn và các cầu qua khe suối là từ nguồn đóng góp của nhân dân, còn công trình vệ sinh của UBND xã lại được trích từ nguồn ngân sách của xã (!?).
Ông Vi T.H, một người dân thuộc hộ nghèo ở thôn Tân Thọ chia sẻ :“Trong cuộc họp dân ở thôn, gia đình tôi được bình xét nhận bò nuôi, sau đó xã cũng đã thông báo gia đình được Chương trình 135 hỗ trợ 5 triệu đồng để mua trâu, bò. Chúng tôi đã rất vui mừng, bởi 5 triệu là một số tiền vô cùng lớn mà không dễ dàng có được. Sau đó, xã có thông báo mỗi hộ phải đóng thêm từ 5 - 6 triệu nữa mới được nhận bò, nếu không mua được thì phải đền bù. Số tiền lớn như vậy tôi không biết tìm đâu ra để đóng nên đành thôi. Tôi có nghe bên xã nói rằng nếu hộ nào không nhận trâu, bò thì sẽ cấp cho hộ khác hoặc sẽ trả số tiền đó về huyện để nộp lại ngân sách Nhà nước”.
|
Một trong những hộ nghèo của xã Xuân Thắng |
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lò Văn Lập, Phó Chủ tịch xã Xuân Thắng cho biết: “Vụ việc này là có thật và hiện nayđã được giải quyết dứt điểm rồi. Nguyên nhân là do chủ đầu tư của xã làm chưa sâu sát, dẫn đến khâu khảo sát, bình xét hộ nghèo ban đầu chưa đúng nên việc cấp trâu, bò không đúng đối tượng. UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra xuống tận nơi để kiểm tra mức độ vi phạm ở địa phương, đồng thời có công văn đề nghị xã giao nộp lại số tiền 115 triệu đồng từ 23 con trâu, bò theo chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi vào kho bạc Nhà nước. Xã Xuân Thắng đã làm đúng theo chỉ đạo của huyện. Những cá nhân liên quan đến các sai phạm đã bị xã và huyện ra quyết định kỷ luật cảnh cáo”.
Chương trình 135 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, tạo điều kiện để nhiều gia đình có ý chí vươn lên thoát nghèo, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Thiết nghĩ, những sai phạm dù nhỏ hay lớn cũng sẽ làm hỏng cả một chủ trương quốc gia. Để chương trình đạt hiệu quả, đòi hỏi các địa phương trong Chương trình 135 phải thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng. Những cá nhân sai phạm cần phải bị xử lí nghiêm khắc để tạo dựng lòng tin với người dân và tránh tình trạng gây lãng phí nguồn vốn của Nhà nước.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-sai-pham-tai-chinh-trong-chuong-trinh-135-o-xa-vung-cao-a70947.html