Các nhà khoa học thuộc đại học Y Johns Hopkins và đại học Nebraska vừa phát hiện ra một loại virus tảo có khả năng ảnh hưởng lên não bộ và khiến chúng ta trở nên ngu ngốc.
Loại virus này được tìm thấy khi các nhà khoa học tiến hành một nghiên cứu về vi khuẩn ở cổ họng. Họ đã phát hiện ra DNA ở cổ họng của những người khỏe mạnh trùng khớp với DNA của loại virus có tên ATCV-1.
ATCV-1 là loại virus gây nhiễm độc tảo xanh thường tìm thấy trong các ao hồ nước ngọt. Loại virus này từng được cho là không có khả năng lây truyền sang người, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra sự thật rằng, chúng có thể gây ảnh hưởng tới các chức năng nhận thức của não bộ, qua việc rút ngắn thời gian tập trung và làm giảm khả năng nhận thức trong không gian.
|
Loại virus có tên ATCV-1 gây nhiễm độc tảo xanh thường tìm thấy trong các ao hồ nước ngọt. (Nguồn: Ibtimes) |
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu chứng minh được rằng các vi sinh vật có khả năng gây ra những biến đổi về sinh lý ở cơ thể con người mà không gây nguy hại toàn diện cho hệ miễn dịch. Tuy nhiên, họ vẫn chưa biết cách ảnh hưởng của ATCV-1 với vật chủ, và virus không lây nhiễm đơn giản qua việc bơi lội hay tiếp xúc với nguồn nước ở ao hồ.
Các nhà khoa học đã phân tích vi khuẩn trong cổ họng của 92 người tham gia nghiên cứu và phát hiện virus ATCV-1 ở 44\% số người này. Khi tiến hành các kiểm tra xem xét khả năng hoạt động chính xác và tốc độ xử lý hình ảnh, cũng như các kiểm tra đo thời gian tập trung của não, các đối tượng nghiên cứu dương tính với ATCV-1 có điểm số trung bình thấp hơn 7 - 9 điểm so với những người còn lại.
Sau đó, các nhà khoa học lại xem xét ảnh hưởng của ATCV-1 tới chuột bằng cách đưa virus vào bộ máy tiêu hóa của chúng rồi đưa chúng vào một mê cung. Những con chuột bị nhiễm virus khó tìm thấy đường ra hơn và cũng ít chú ý đến một vật thể lạ hay nhận ra một lối đi mới mà trước đó không xuất hiện.
ATCV-1 đã xâm nhập vào hồi hải mã của chuột và biến đổi các biểu hiện gen liên quan đến việc hình thành trí nhớ, học tập và sự tạo hình xinap (một cơ sở quan trọng cho việc học tập và ghi nhớ), cũng như khả năng phản ứng của hệ miễn dịch khi bị virus tấn công.
"Đây là một ví dụ ấn tượng cho thấy, những vi sinh vật "vô hại" mà chúng ta đang mang có thể ảnh hưởng tới hành vi và nhận thức của chúng ta như thế nào", tiến sỹ Robert Yolken, một nhà nghiên cứu virus và chuyên gia bệnh truyền nhiễm trẻ em, thuộc trung tâm Chăm sóc sức khỏe trẻ em trực thuộc đại học Johns Hopkins cho biết.
"Những sự khác biệt về sinh lý giữa người A và người B được mã hóa trong bộ gen mà mỗi người thừa hưởng từ cha mẹ mình, nhưng một số khác biệt lại được tạo ra từ vi sinh vật và cách chúng tương tác với gen của chúng ta", tiến sỹ Yolken nhận định.
Phát hiện này cho thấy các vi sinh vật có ảnh hưởng tới cơ thể con người nhiều hơn những hiểu biết truyền thống và việc đào sâu nghiên cứu về cách thay đổi quần xã vi sinh vật có thể giúp nâng cao khả năng nhận thức của con người trong tương lai.
"Chúng tôi vừa bắt đầu tìm hiểu cách hoạt động thực sự của một số những vi sinh vật trong cơ thể người. Đây mới chỉ là khởi đầu cho một cách tiếp cận mới với những tác nhân lây nhiễm, thay vì các tác nhân xuất hiện, gây ra hàng loạt thiệt hại rồi lại biến đi như virus Ebola hay virus cúm", tiến sỹ Yolken cho biết.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-loai-virus-co-kha-nang-khien-con-nguoi-tro-nen-ngu-ngoc-a68439.html