+Aa-
    Zalo

    Phát hiện loài thằn lằn ngón mới gần hang Sơn Đoòng, có đầu hình tam giác, chỉ săn mồi ban đêm

    (ĐS&PL) - Loài thằn lằn mới có tên khoa học Cyrtodactylus hangvaensis. Loài này được gọi tên bản địa là tắc kè ngón Hang Va, do chúng được phát hiện ở hang Va.

    Báo Sài Gòn Giải Phóng thông tin, ngày 27/7, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, một loài thằn lằn mới vừa được phát hiện tại tại hang Va bởi các nhà khoa học Việt Nam. 

    Theo đó, loài thằn lằn mới có tên khoa học Cyrtodactylus hangvaensis. Loài này được gọi tên bản địa là tắc kè ngón Hang Va, do chúng được phát hiện ở hang Va.

    Tắc kè ngón hang Va, loài mới ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Dân Việt

    Tắc kè ngón hang Va, loài mới ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Dân Việt

    Thằn lằn ngón hang Va được các chuyên gia của Việt Nam phát hiện và mô tả trong đề tài nghiên cứu đa dạng sinh học tại hang Sơn Đoòng, do PGS.TS Vũ Văn Liên, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam làm chủ nhiệm.

    Được biết, nhóm nghiên cứu tình cờ phát hiện thằn lằn ngón hang Va bám trên vách đá khi màn đêm buông xuống. Chúng có kích thước gần 13cm với đôi mắt to, đầu hình tam giác. Đây là loài thằn lằn ngón thứ 4 được phát hiện ở Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, báo Sức khoẻ & Đời sống thông tin.

    Chia sẻ trên VnExpress, TS Dương Văn Tăng, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết "Ban đầu tôi không nghĩ đó là loài mới". Tuy nhiên kết quả nghiên cứu xác định đây là loài mới thông qua màu sắc, hoa văn vảy cùng các đặc điểm hình thái khác. "Phân tích DNA cho thấy loài mới này có ít nhất 9% sự khác biệt về mặt di truyền so với các loài thằn lằn ngón khác", anh cho hay.

    TS Tăng cho biết, loài mới được phát hiện trong rừng nguyên sinh - nơi các hoạt động du lịch sinh thái được kiểm soát nghiêm ngặt. Đây là loài thằn lằn ngón thứ 4 được phát hiện tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho thấy khu vực này vẫn còn nhiều tiềm năng cho khám phá đa dạng sinh học.

    Ông Tăng nói thêm, ngày nay với sự phát triển của kỹ thuật phân tích ADN việc phát hiện và mô tả loài mới trở nên dễ dàng hơn. "Tôi đã trực tiếp phân tích DNA cho hàng chục loài mới. Chúng tôi sẽ thúc đẩy thực hiện phân tích ADN một cách mạnh mẽ hơn để khám phá đa dạng trong thời gian tới", ông Tăng cho hay.

    Các nhà khoa học phát hiện loài mới bám trên vách đá. Ảnh: VnExpress

    Các nhà khoa học phát hiện loài mới bám trên vách đá. Ảnh: VnExpress

    Hang Va là hang động nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nằm trên km số 28 của đường Hồ Chí Minh nhánh tây, chỉ cách cửa sau hang Sơn Đoòng 50 m. Hang Va được phát hiện đầu tiên vào năm 1992 và được các chuyên gia thuộc Đội thám hiểm hang động Anh - Việt tiến hành khảo sát và đo đạc vào năm 2012. Các chuyên gia hang động cho rằng điểm đặc biệt của hang Va là sở hữu loại hình thạch nhũ hình tháp nón với cấu trúc phức tạp và độc nhất trong các hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/phat-hien-loai-than-lan-ngon-moi-gan-hang-son-oong-co-au-hinh-tam-giac-chi-san-moi-ban-em-a485689.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan