Theo báo Lao Động, ngày 13/12, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin, Công an TP.Móng Cái vừa tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh tại các trường học nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc ngộ độc thực phẩm.
Từ ngày 5/12 đến ngày 12/12, qua công tác nắm tình hình việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các xã, phường, Công an TP.Móng Cái đã tiến hành kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh mặt hàng bánh kẹo tại khu vực các cổng trường học.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở kinh doanh đang bày bán hơn 1.000 sản phẩm là thực phẩm gồm: kẹo mút, kẹo que, kẹo dẻo được bảo quản trong các hộp nhựa, khay giỏ hoặc đựng trong túi bóng, đều không có tên thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, bao bì in chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Qua kiểm tra, các hộ kinh doanh đều không cung cấp được hợp đồng, hóa đơn mua bán, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Chủ các cơ sở kinh doanh khai nhận: do số bánh kẹo trên có mẫu mã phong phú, giá thành rẻ phù hợp với nhu cầu của học sinh nên đã nhập của những đối tượng không biết tên tuổi, địa chỉ đến giao hàng để bán kiếm lời.
Công an TP.Móng Cái đã tiến hành làm việc với chủ các cơ sở kinh doanh, buộc tiêu hủy toàn bộ hơn 1.000 sản phẩm là thực phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, cơ quan Công an đã yêu cầu chủ các cửa hàng kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh nói riêng và người dân nói chung.
Vừa qua, ngày 25/11, tại Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vụ 126 em học sinh ăn kẹo lạ. Sau đó, 5 học sinh có biểu hiện tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở phải nhập viện theo dõi sức khỏe.
Tiếp đó, ngày 27/11, 29 học sinh của Trường THCS và THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) mua kẹo đem đến lớp để chia nhau ăn. Đến tối cùng ngày, các em ăn kẹo đều có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn.
Chia sẻ trên báo VietNamNet trước đó, anh V.V.T (37 tuổi, trú phường Cao Thắng) cho biết, rất lo ngại khi thời gian gần đây đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tràn lan trước cổng trường. Chính vì vậy, anh luôn luôn chủ động đưa con đi học và tới trước đón con về để tránh trường hợp con la cà đi theo bạn để mua đồ ăn trước cổng trường.
"Không phải khắt khe nhưng tôi không bao giờ cho con mình tiền mua đồ ăn vặt trong lúc đi học vì đồ ăn không đảm bảo an toàn. Đây cũng là biện pháp bảo vệ con cái trước những mối nguy hại tiềm ẩn trong đồ ăn không rõ nguồn gốc", anh T. nói.
Thục Hiền(T/h)