+Aa-
    Zalo

    Phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai tại Thái Bình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo kết luận thanh tra, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, các cơ quan chức năng của tỉnh còn để xảy ra nhiều bất cập, hạn chế.

    Theo kết luận thanh tra, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, các cơ quan chức năng của tỉnh còn để xảy ra nhiều bất cập, hạn chế.

    Đại diện Thanh tra Chính phủ công bố công khai kết luận thanh tra tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Dân Trí

    Ngày 16/9/2019, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo số 1650/TB-TTCP về việc thông báo kết luận Thanh tra về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (thời kỳ từ năm 2011-2016) và đất đai, môi trường (thời kỳ từ năm 2006-2016).

    Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, các cơ quan chức năng của tỉnh còn để xảy ra nhiều bất cập, hạn chế.

    Đáng chú ý là, việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành về công tác kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng qua các năm tại một số sở, ngành, số lượng còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ yếu qua các phương tiện thông tin đại chúng, cho nên chưa phát huy hiệu quả tích cực.

    Nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức quản lý còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm sở, ngành và một số huyện, thành phố chưa được tiến hành thường xuyên, còn có đơn vị chưa tổ chức triển khai thực hiện; trình độ năng lực, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn chưa đáp ứng tốt nhu cầu, nhất là đối với số cán bộ mới được tiếp nhận, điều chuyển về làm công tác này.

    Việc tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND một số huyện, thủ trưởng một số sở, ngành chưa đầy đủ theo quy định. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc quyền của sở, ngành và các huyện còn chậm được giải quyết; trình tự, thủ tục giải quyết và việc lập, quản lý hồ sơ chưa bảo đảm theo quy định.

    Một số cuộc thanh tra tại một số sở, ngành và cấp huyện chưa bảo đảm quy định về trình tự, thủ tục. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng hiệu quả còn chưa cao.

    Việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập tại một số đơn vị còn mang tính hình thức; một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ theo quy định về trình tự, thủ tục, có nhiều cán bộ, công chức thực hiện kê khai chưa đúng quy định. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị của các cấp, ngành còn hạn chế, còn nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ với chuyển đổi vị trí công tác…

    Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Để xảy ra những thiếu sót, bất cập trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nêu trên, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, giám đốc các sở, ngành; Chánh thanh tra các cấp, các ngành và thủ trưởng cơ quan, đơn vị tham mưu giúp việc có liên quan.

    Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình khi thanh tra về trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh này. Cụ thể gồm có các dự án như: Khu đô thị tây quốc lộ 10 tại huyện Đông Hưng; Nhà ở xã hội do Công ty TNHH Phát triển đô thị và Xây dựng 379 làm chủ đầu tư; quản lý và sử dụng đất của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh; xây dựng và kinh doanh hạ tầng chợ Kỳ Bá, TP Thái Bình…

    Trên cơ sở kết quả thanh tra nêu trên, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình rà soát và giải quyết dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của một số công dân do Đoàn thanh tra của TTCP đã chuyển đến UBND tỉnh Thái Bình trong thời gian thanh tra tại địa phương, báo cáo kết quả về TTCP, tránh phát sinh khiếu kiện kéo dài. Tăng cường công tác đối thoại với công dân trong giải quyết khiếu nại; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở. Chỉ đạo các cấp, ngành của tỉnh thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng; chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu; thanh tra phòng, chống tham nhũng tập trung tại một số ngành, lĩnh vực, địa phương để chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

    Đối với các trường hợp vi phạm về đất đai đã nêu, cần chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tổng hợp và đề xuất giải pháp đối với các trường hợp vi phạm. Trong đó, về xử lý về kinh tế, các cơ quan chức năng tỉnh phải kiểm tra, xem xét để giảm trừ số tiền 15.699,712 triệu đồng, do được xác định là khoản chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư của dự án BT không đúng quy định của pháp luật khi thực hiện công tác quyết toán công trình đối với Dự án xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng, phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình do Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị BID Việt Nam làm Chủ đầu tư. Đồng thời, kiểm tra, xem xét, xử lý và tiến hành xác định các nghĩa vụ tài chính để thu hồi về ngân sách nhà nước đối với các trường hợp vi phạm đã được TTCP chỉ rõ…

    Mộc Miên 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-hang-loat-sai-pham-trong-qua-trinh-quan-ly-su-dung-dat-dai-tai-thai-binh-a293950.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan