Một đám mây khí hoá thạch sau Vụ nổ Big Bang đã được các nhà thiên văn học phát hiện trong vũ trụ xa xôi khi sử dụng kính viễn vọng quang học mạnh nhất thế giới.
Hình ảnh của đám mây hoá thạch mới được phát hiện. Ảnh: Getty |
Nhóm khoa học gia làm việc tại Đài thiên văn W.M. Keck đặt trên núi lửa Mauna Kea ở Hawaii (Mỹ) đã phát hiện ra đám mây cổ xưa – vốn được đánh giá là một loại hoá thạch quý hiếm. Nghiên cứu sinh Fred Robert và Giáo sư Michael Murphy từ Đại học Công nghệ Swinburne đã cung cấp thông tin mới về cách các thiên hà đầu tiên hình thành trong vũ trụ.
"Ở mọi nơi chúng ta nhìn thấy, khí trong vũ trụ bị ô nhiễm bởi các nguyên tố nặng khi các ngôi sao nổ tung", ông Robert nói. "Tuy nhiên, đám mây đặc biệt này có vẻ nguyên sơ, không bị ô nhiễm bởi các ngôi sao, thậm chí sau 1,5 tỷ năm kể từ Vụ nổ Big Bang. Đám mây này không có bất kỳ nguyên tố nào nặng hơn hydro, nguyên tố được biết đến là nhẹ nhất vũ trụ và là thứ đầu tiên thấm vào vũ trụ sơ khai sau vụ nổ Big Bang”.
“Nếu nó có bất kỳ nguyên tố nặng nào, thì vẫn phải nhỏ hơn 1/10.000 so với tỷ lệ chúng ta thấy trong Hệ Mặt trời. Khả năng này là cực kỳ thấp. Lời giải thích thuyết phục nhất là đó là một hoá thạch thực sự của Vụ nổ Big Bang", ông Robert nói thêm.
Nhóm các nhà khoa học đã sử dụng hai thiết bị của Đài thiên văn Keck - Máy quang phổ Echellette, Máy chụp ảnh (ESI) và Máy quang phổ Echelle độ phân giải cao (HIRES) - để quan sát quang phổ của một quasar phía sau đám mây. Chuẩn tinh - phát ra ánh sáng rực rỡ khi vật chất rơi vào lỗ đen siêu lớn, cung cấp nguồn sáng để có thể nhìn thấy bóng quang phổ của hydro trong đám mây.
Trong quá khứ, 2 đám mây hóa thạch duy nhất được biết đến đã được phát hiện vào năm 2011.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Eurek Alert)