(ĐSPL) - Đơn vị thi công tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Đà Nẵng đã phát hiện nhiều hiện vật cổ bằng đồng trong lúc thi công công trình.
Chiều ngày 25/4, Công an quận Ngũ Hành Sơn cho biết, hiện nay lực lượng công an đang phối hợp cùng với UBND các phường vận động người dân tiếp tục giao nộp hiện vật bằng đồng mà họ phát hiện được.
Được biết, sáng ngày 23/4, khi đang san lấp mặt bằng tại khu vườn nhà ông Huỳnh Phước Tự (trú tổ 77, phường Hòa Hải), khu vực thi công thuộc dự án tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Đà Nẵng, đơn vị thi công đã phát hiện 2 bức tượng Phật bằng đồng.
Trong đó, một bức tượng Phật Bà Quan âm ngồi, có chiều cao 55cm, phần thân lưng rộng 20cm, không có đế và một bức tượng Phật nhỏ có chiều cao thân khoảng 40cm; phần chân đế bằng đồng, cao 21cm; phần trên có hình đài sen, đường kính 18cm.
|
Bức tượng Phật dáng đứng. |
|
Bức tượng Phật dáng ngồi. |
Ngay sau đó, một số người dân cũng đổ xô tới địa điểm này để tìm kiếm và đã phát hiện thêm một số hiện vật bằng đồng khác. Một trong số những người dân đã phát hiện chiếc chuông đồng từ thời Tự Đức, kích thước 60cm, đường kính 50cm nhưng bị mất phần trên. Ngoài ra, một số cổ vật khác như chiêng đồng có đường kính 50cm; kiểng đồng đường kính 22cm; hai chân đèn; hai con nghê; lư hương; ba quả đào bằng đồng…cũng được bà con tìm thấy.
|
Chiếc chuông đồng từ thời Tự Đức. |
Công nhân lái máy ủi, người đã đào được bức tượng Phật bằng đồng dáng đứng cao 40 cm, chân đế cao 21 cm, đài sen đường kính 18 cm đã rao giá bán cho cổ vật này với giá 50 triệu đồng. Nhưng chưa kịp bán thì công an phường Hòa Hải nhận được tin báo đã xuống hiện trường xác minh và lập biên bản tạm giữ các cổ vật trên.
Một cụ ông lớn tuổi sống tại phường Hòa Hải cho biết, số hiện vật này được phát hiện trên phần đất nhà ông Huỳnh Phước Tự có thể là đồ vật của chùa Thái Bình (cũ), mà trước đó chùa bị tàn phá, các đồ vật trong chùa được ông nội của ông Tự về cất giữ, rồi sau bị thất lạc.
Phòng Văn hóa Thông tin cho rằng hai bức tượng mang phong cách Trung Hoa có khả năng du nhập vào Việt Nam khoảng 500 năm trước khi giao thương tại Hội An qua sông Cổ Cò đang thịnh vượng.
Hiện cơ quan chức năng tiếp tục vận động người dân giao nộp thêm các hiện vật, đồng thời tiến hành giám định để xác định giá trị cổ vật.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-co-vat-bang-dong-500-nam-tuoi-tai-da-nang-a30846.html