+Aa-
    Zalo

    Phát hiện cây Kơnia trên đường hành hương về cửa Phật

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trên đường hành hương lên cửa Phật trong lễ khai hội chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã tình cờ phát hiện có hai cây Kơnia con bên đường...

    (ĐSPL) - Trên đường hành hương lên cửa Phật trong lễ khai hội chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã tình cờ phát hiện có hai cây Kơnia con ngay bên đường lên chùa. Đây là một điều hiếm thấy, nhiều câu hỏi cần được giải mã khi một loài cây hiếm có mặt nơi đây.

    Lễ khai hội chùa Hương Tích 2015 do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp với UBND huyện Can Lộc, Ban quản lí chùa Hương tích tổ chức vào sáng ngày 28/2 (tức mồng 10 tháng Giêng năm Ất Mùi). Buổi lễ thu hút được hàng chục nghìn tăng ni phật tử và du khách tới tham dự, hành hương lễ Phật đầu năm. Bên cạnh buổi lễ trang trọng, là các hoạt động văn hóa cộng đồng được tổ chức sôi nổi và ý nghĩa như: chương trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn dân ca, Ví giặm Nghệ Tĩnh, hội thi vật, kéo co, giao lưu chọi gà... Hòa vào dòng người dường như bất tận gần 30 phút du thuyền trên đập Nhà Đường để tiếp tục hành trình leo núi trong bồng bềnh sương khói hư ảo để lên Chùa, vượt qua cổng sơn quan vào được khoảng 100m, chúng tôi bắt gặp ngay bên đường có hai cây con có hình dáng, kiểu lá và màu sắc khác lạ.

    Du khách hiếu kì khi lần đầu tiên nhìn thấy cây Kơnia

    Một cây phía bên phải đường cách trạm biến thế 15m có hai thân, mỗi thân có đường kính 15cm, trước đó đã có ai chặt ngang, hiện mọc lên nhiều cành lá sum suê; một cây phía bên trái đường, cách phía trong trạm biến thế 20m, dáng thẳng, cao khoảng gần 3m, cây có đường kính khoảng 5cm. Lục lại trí nhớ về những lần bắt gặp cây Kơnia ở Tây Nguyên, xem ảnh đối chiếu thì thật bất ngờ, hai “cây lạ” là cây Kơnia “chính hiệu”. Bất chợt, nhiều câu hỏi được đặt ra. Đất Hà Tĩnh đã từng có cây Kơnia sinh sống? Ai đã trồng hay mọc tự nhiên? Trước đó đã ai từng biết về sự có mặt của hai cây hiếm? Qua tìm hiểu, điền giã chúng tôi đã có câu trả lời thỏa đáng.

    Sau khi phát hiện, thấy phóng viên chụp ảnh và giới thiệu, không một ai tin hai cây lạ là cây Kơnia nhưng hầu hết đều tò mò chụp ảnh, tra cứu mạng để đối chiếu và họ đều hết sức ngỡ ngàng vì cả hình dáng cây, cành, lá, nhất là kiểu lá chùm, gân lá… đều cho kết quả khẳng định là cây Kơnia.Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa ai từng biết và nghe thấy núi Hồng Lĩnh có cây Kơnia lạ.

    Quyết định điền dã một vòng xung quanh khu vực phát hiện hai cây Kơnia con, leo lên cả đỉnh Động Giang (đỉnh cao nhất của dãy núi Hồng Lĩnh, cao 1764m) tuyệt nhiên cũng không hề thấy có thêm một cây nào. Cây ở đâu ra? Ai trồng hay tự nhiên?, các câu hổi cứ xoáy lên trong đầu chúng tôi.

    Để giải mã những câu hỏi bí ẩn trên, phóng viên đã tìm đến những vị cao tuổi trong xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Khi xem ảnh chụp cận cảnh, ông Võ Minh Nghiêm (76 tuổi), nguyên là Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc (từ năm 1971 - 1975) ồ lên ngạc nhiên: “Cây Kơnia hay cây gì thì tui (tôi) không biết nhưng đây chắc chắn là cây Cầy. Ngày xưa ở Chùa Hạ (hay còn gọi là Miếu Lớn, dân trong vùng gọi là Miệu Lớn) có 3 cây Cầy cổ thụ to 4,5 người ôm mới xuể. Năm 1967 bị chặt phá cùng với 1 cây Mộc Muỗm và 2 cây Bứa”.

    Lần theo lời khẳng định của cụ Nghiêm, chúng tôi quay ngược lại Chùa Hạ. Chùa Hạ cũng nằm trong quần thể chùa Hương Tích, sư thầy Thích Quảng Nguyên trụ trì chùa Hạ cho biết: “Ngày trước, muốn lên chùa Hương Tích phải vào làm lễ chùa Hạ rồi vòng con đường phía sau chùa Hạ để lên chùa Hương Tích. Chùa Hạ bị trúng bom Mĩ hư hỏng đến năm 1970 thì bị người dân phá, hiện chỉ còn chiếc cổng là dấu tích. Chùa Hạ mới được tôn tạo cách đây không lâu”. Khi hỏi về cây Cầy, chú tiểu An có pháp danh là Tục Vinh vồn vả: “Nó kia kìa! Năm nào cháu cũng được ăn hạt của nó. Ngon lắm!”. Được sự cho phép của sư thầy, chúng tôi đã mục sở thị cây Cầy trong khuôn viên chùa Hạ. Cây có đường kính 30cm, cao khoảng 15m, bị bom Mĩ cắn cụt ngọn, hiện nhiều cành đã mọc cân đối nên vẫn tạo dáng uy nghi đặc trưng của loài cây.

    Hỏi về những cây Cầy con, chú tiểu An cho biết, chỉ có duy nhất một cây mọc phía bên phải Chùa. Cây hiện mới bằng bắp tay, xanh tốt. Như vậy, những câu hỏi về nguồn gốc của hai cây Kơnia trên đường lên chùa Hương Tích đã có câu trả lời: Núi Hồng Lĩnh đã từng có cây Kơnia cổ thụ sinh sống, hiện trong chùa Hạ đang có cây hàng năm cho hàng nghìn quả, hạt ăn khá bùi. Hai cây con có thể là chim trời cắp rơi xuống hoặc người dân nhặt ăn rồi vứt lại (vị trí hai cây Kơnia con cách cây trong chùa Hạ khoảng 3km).

    Tuy bị bom Mĩ cắt cụt ngọn nhưng hiện cây Kơnia trong chùa Hạ vẫn xanh tốt.

    Đưa thông tin về cây Kơnia trao đổi với ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương Tích, ông Cường cho biết: “Việc có hai cây Kơnia bên đường lên Chùa từ trước đến nay chưa ai biết nhưng cây Kơnia thì người địa phương ở đây gọi là cây Cầy hay cây Lậy Cầy. Ngoài cây ở chùa Hạ, đặc biệt phải nói đến cụm 4 cây Kơnia cổ thụ nằm trong khuôn viên của trường tiểu học Sơn Lộc đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường công nhận và vinh danh là cây Di sản Việt Nam từ năm 2012”.

    Để rõ hơn về những cây Kơnia ở Hà Tĩnh, chúng tôi đã về trường Tiểu học Sơn Lộc tìm hiểu, đứng dưới hai cây cổ thụ ngay trong khuôn viên sân trường, mỗi cây có đường kính khoảng 1,5m, cao hơn 30m, tán rộng hàng trăm mét vuông, ông Đặng Bá Hồng – nhân viên bảo vệ trường cho biết: “4 cây Lậy Cầy (cây Kơnia) mỗi năm cho hàng vạn quả nhưng từ hàng trăm năm năm chỉ mọc được duy nhất 1 cây con vào năm 2011, ngày được vinh danh, nhà trường đã mang trồng lưu niệm ở khuôn viên Di tích Xô viết ngã ba Nghèn nhưng sau đó đã chết nên Kơnia ở đất này đúng là cây hiếm, cây quý”.

    Vinh danh cụm 4 cây Kơnia trong khuôn viên trường tiểu học Sơn Lộc

    Theo ông Võ Hồng Hải, Bí thư Huyện ủy Can Lộc, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Ở Hà Tĩnh chỉ có duy nhất Can Lộc có cây Kơnia sinh sống. Trước năm 2012, cũng không ai gọi là cây Kơnia, dân Can Lộc chỉ gọi là cây Cầy (người Thiên Lộc gọi) hay Lậy Cầy (người Sơn Lộc gọi). Chúng tôi đã nhờ GS.TSKH Nguyễn Nghĩa Thìn, Chuyên gia đầu ngành về thực vật xác định tên phổ thông và khoa học của loài cây này khi làm hồ sơ vinh danh cây Di sản. Cây Cầy hay Lậy Cầy chính là cây Kơnia”.

    Ông Cường khẳng định thêm: “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin, nếu chính xác hai cây vừa được phát hiện đúng là cây Kơnia thì huyện sẽ giao cho Phòng Văn hóa thông tin, Phòng Nông nghiệp, BQL chùa Hương Tích phối hợp với Ban bảo vệ rừng phòng hộ Hồng Lĩnh lập phương án bảo tồn hai cây hiếm này”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-cay-konia-tren-duong-hanh-huong-ve-cua-phat-a85446.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan