Các nhà khoa học Viện sinh thái học miền Nam vừa công bố bốn loài hoa trà mới ở những cánh rừng sâu trên cao nguyên Lang Biang, khu vực Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Bốn loài mới thuộc họ Trà (Theaceae) là Camellia duyana; C. ligustrina; C. bugiamapensis và Camellia capitata. Viện sinh thái học miền Nam cho biết, sau khi phân tích và giải phẫu, nhóm khoa học nhận thấy các mẫu mới này có đặc điểm rất khác biệt so với những loài Camellia đã biết từ trước đến nay.
Loài đầu tiên có tên khoa học Camellia bugiamapensis Orel, Curry, Luu & Q.D. Chúng là dạng cây bụi gỗ nhỏ đến nhỡ lâu năm, phân cành thưa thớt, cao đến 7m, đường kính gốc thân cây to đến 20cm. Chúng thường phân bố cách đường biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 1km, trong phạm vi của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Loài này phát triển trong rừng kín mưa ẩm nhiệt đới, đất thấp liền kề hệ thống sông suối. Hiện, số cá thể trưởng thành của loài ước chỉ còn khoảng 50.
|
Loài Camellia bugiamapensis Orel, Curry, Luu & Q. D. Ảnh: L.H.T/sie.vast.ac |
Camellia duyana Orel, Curry & Luu, sp. nov, đây là loại cây gỗ nhỡ lâu năm, phân cành mạnh, cao từ 12 đến 15m, đường kính gốc thân cây đo được có thể đến 50cm. Cuống hoa của loài dài tới 2cm, rộng 4 - 5mm. Hoa của loài có đường kính từ 6,5 - 7,5cm, màu trắng hơi đục mờ.
Camellia duyana phân bố hẹp dưới sườn của một ngọn núi vô danh trên cao nguyên Đà Lạt và hoàn toàn không nằm trong phạm vi bảo vệ của khu bảo tồn hay Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà. Loài này mọc xen lẫn với các loài cây khác trong điều kiện thiếu ánh sáng của thảm thực vật rừng mưa nhiệt đới và dường như thích hợp trên vùng đất nghèo dinh dưỡng, ẩm ướt, mà thoát nước tốt. Các nhà khoa học kiến nghị nên đưa loài này vào danh sách những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng mức độ cực kỳ nguy cấp.
Camellia ligustrina Orel, Curry & Luu, sp. nov là loài mới thứ ba vừa được giới khoa học công bố. Chúng là cây bụi gỗ nhỏ đến nhỡ lâu năm cao từ 4 đến 6m, đường kính gốc thân cây to đến 25cm. Lá của loài đang phát triển có màu xanh nhạt. Camellia lingustrina phân bố trong phạm vi hẹp thuộc cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng). Loài phát triển trong điều kiện thiếu ánh sánh của rừng kín mưa ẩm nhiệt đới đặc trưng của Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, thích hợp trên vùng đất nghèo dinh dưỡng, ẩm ướt, thoát nước tốt. Hiện, số cá thể trưởng thành của loài này chỉ khoảng 50.
|
Loài Camellia capitata Orel, Curry & Luu, sp. nov. Ảnh: L.H.T/sie.vast.ac |
Camellia capitata Orel, Curry & Luu, sp. nov. là dạng cây bụi gỗ nhỏ đến nhỡ lâu năm, phân cành thưa thớt, cao đến 5m. Chúng được tìm thấy tại thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), nơi chỉ có người Mạ bản địa cư trú. Loài mới mọc thành từng đám nhỏ hoặc cây đơn độc phát triển trong rừng mưa ẩm, kín thường xanh hỗn giao tre nứa mưa, trên nền đất ẩm thoát nước nhanh và thiếu ánh sáng. Mặc dù có nhiều nghiên cứu về thực vật trong khu vực này, nhưng số lượng mẫu thu được rất hạn chế, chỉ có ba cá thể trưởng thành của loài mới được ghi nhận.
Trên thế giới hiện nay có khoảng 80\% các loài hoa trà thuộc chi Camellia L. được tìm thấy tại Trung Quốc và hầu hết số loài còn lại được ghi nhận là phân bố tại các vùng địa lý của Việt Nam.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-bon-loai-hoa-tra-moi-o-viet-nam-a71960.html