Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện kho thịt đông lạnh của một người dân chứa 4,2 tấn thịt lợn nhiễm dịch tả lợn heo châu Phi.
Tiêu hủy heo nhiễm dịch tả châu Phi tại Đồng Nai. Ảnh: Thanh Niên |
Ngày 26/5, theo báo Thanh Niên, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã khởi tố vụ án, điều tra việc giết mổ, tàng trữ lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn huyện Trảng Bom.
Trước đó, ngày 16/5, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra kho thịt đông tại nhà bà Nguyễn Thị Thảo (80 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), phát hiện 4,2 tấn thịt lợn được chứa trong 16 tủ đông và 1 thùng xốp.
Theo báo Người Lao Động, các đơn vị chức năng sau đó đã niêm phong toàn bộ số thịt, đồng thời lấy mẫu đi xét nghiệm và phát hiện số thịt này bị nhiễm dịch tả heo châu Phi.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Thảo khai nhận số thịt lợn trên do người khác thuê kho của bà để trữ đông nhưng không nhớ rõ người thuê là ai.
Đến ngày 18/5, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai đã phối hợp với chính quyền huyện Trảng Bom tiến hành tiêu hủy toàn bộ số thịt heo trên và triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan xung quanh điểm phát hiện dịch này.
Trong một diễn biến khác, liên quan đến vụ hàng chục con lợn chết bị trôi nổi trên đoạn kênh dẫn nước, sáng 27/5, trao đổi với báo Người Đưa Tin, đại diện UBND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cho biết, số lợn trên có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Đàn lợn chết được phát hiện trôi trên kênh dẫn nước N9 vào tối 24/5. Ảnh: Người Đưa Tin |
Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, sự việc đã gây hậu quả rất nghiêm trọng bởi toàn bộ nước từ kênh N9 chảy về khắp các đồng ruộng phục vụ tưới tiêu cho vụ lúa Hè Thu đã bị nhiễm khuẩn, nguy cơ phát tán virus gây bệnh trên diện rộng.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, cách ly tất cả các chuồng trại trên địa bàn và ngăn dòng chảy của kênh dẫn nước N9 để khống chế việc virus phát tán.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã cho rải vôi bột, thông báo cho người dân ngăn cách mọi hoạt động đi lại để có thể tránh việc dẫn bệnh vào nhà.
“Lúc này, chính quyền, và đặc biệt là người dân cần ứng phó bằng mọi giải pháp. Hành vi của chủ nuôi thả lợn chết nhiễm bệnh xuống dòng nước là không chấp nhận được, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Hiện, cơ quan công an đã vào cuộc, truy tìm chủ nuôi đã thả lợn nhiễm bệnh xuống kênh dẫn nước để xử lý nghiêm”, ông Hương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hương, số lượng lợn chết được trục vớt trong tối ngày 24/5 khoảng 30 con. Đến ngày 25/5, tiếp tục trôi về khoảng 7 con. Kênh dẫn nước này, chảy từ địa bàn huyện Cẩm Xuyên nên 2 địa phương đang phối hợp để cùng xử lý.
Nguyễn Phượng(T/h)