Bên trong 2 ngôi mộ, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều cổ vật quý giá như đá carnelian đỏ, hổ phách Baltic và thạch anh Ai Cập cũng được tìm thấy.
Một ngôi mộ 3.500 năm được phát hiện gần thị trấn Pylos phía tây nam Hy Lạp. Ảnh: AP. |
Các nhà khảo cổ học người Mỹ đã phát hiện ra hai ngôi mộ hoàng gia có niên đại từ khoảng 3.500 năm trước gần một cung điện lớn thời Mycenaean ở miền nam Peloponnese của Hy Lạp, theo Bộ văn hóa Hy Lạp.
Tuyên bố của Bộ văn hóa Hy Lạp cho biết thêm, mái vòm của cả 2 ngôi mộ gần cung điện Pylos thời kỳ đồ đồng đã sụp đổ trong thời cổ đại. Các căn phòng đầy đất và đá vụn khiến những kẻ trộm mộ không thể vào để cướp bóc.
Tuy nhiên, các ngôi mộ đã bị xáo trộn trong suốt nhiều thế hệ - không giống như một ngôi mộ Mycenaean khác được tìm thấy gần đó vào năm 2015, nơi cất giữ một kho báu vàng bạc tuyệt đẹp, đồ trang sức và cả một cánh tay bằng đồng được chôn cất cùng vị vua, người được cho là đã cai trị vùng Pylos đời đầu.
Ngôi mộ lớn hơn có đường kính 12 mét và các bức tường đá hiện còn cao 4,5 mét - thấp hơn một nửa chiều cao ban đầu.
Ngôi mộ còn lại có kích thước bằng 2/3 ngôi mộ lớn và các bức tường của nó hiện cao 2 mét. Cả hai đều thuộc loại lăng mộ tholos - công trình ngầm hình vòm khổng lồ dành riêng cho hoàng gia Mycenae, có thể đạt chiều cao khoảng 15 mét.
Bên trong 2 ngôi cổ mộ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các chuỗi hạt làm từ hổ phách, một chiếc nhẫn vàng và một mặt dây chuyền bằng vàng chạm khắc hình đầu của nữ thần Ai Cập cổ đại Hathor.
Điều đó cho thấy mối liên kết giữa văn hóa và thương mại thời kỳ đồ đồng. Phát hiện này đặc biệt quan trọng vì đã làm sáng tỏ giai đoạn đầu của nền văn minh Mycenaea tại Hy Lạp.
Mặt dây chuyền vàng này hình nữ thần Ai Cập Hathor được tìm thấy. Ảnh: Bộ Văn hóa Hy Lạp/AP. |
Một món cổ vật đặc biệt hơn cả là ngôi sao 18 cánh bằng vàng và mã não, biểu tượng khá phổ biến ở Hy Lạp từ thế kỷ 6 trước Công nguyên. "Phát hiện này rất hiếm, không có nhiều ngôi sao 16 cánh thời Mycenae được tìm thấy”, nhà khảo cổ Sharon Stocker cho biết.
Bên cạnh đó, một lượng vàng lớn cũng như nhiều cổ vật quý giá nhập từ nơi khác như đá carnelian đỏ, hổ phách Baltic và thạch anh Ai Cập cũng được tìm thấy.
Sự xa hoa lộng lẫy của hai ngôi mộ cho thấy chủ nhân chúng là người có địa vị và giàu có. Các nhà nghiên cứu tuyên bố đó là tư liệu quý giá giúp nhiều nhà sử học "lấp đầy" những khoảng trống trong kiến thức về nền văn minh Hy Lạp thuở sơ khai.
Mộc Miên(Theo Time)