(ĐS&PL) Những năm gần đây, nền kinh tế ở nông thôn trở nên khấm khá hơn so với thời kỳ đầu đổi mới. Ở nhiều địa phương, phương châm “hai vụ lúa một vụ màu” không còn phổ biến, nông dân tự tin hơn với những sản phẩm mới theo nhu cầu thị trường.
Nhưng làn gió mới về mặt kinh tế đi kèm với những vấn đề mới về xã hội.
Nông thôn cần được gia cố với lực lượng thi hành pháp luật hiệu quả hơn, giám sát tốt hơn. Ảnh minh họa Hải Dương. |
Hồi đầu tháng, một hộ nông dân ở Vĩnh Long bị kẻ gian chặt mất 64 gốc bưởi khoảng bốn năm tuổi đang cho trái, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đầu năm, hàng trăm gốc đào được chăm bẵm trước Tết bị phá hoại ở Bắc Ninh, công sức cả năm trời của 11 gia đình đổ sông đổ bể.
Dăm bữa nửa tháng, chúng ta lại chứng kiến những vụ việc như vậy, chưa kể những chuyện bảo kê máy gặt lúa, tín dụng đen len lỏi khắp ngóc ngách của làng quê. Điểm chung của những câu chuyện trên là phần lớn kẻ thủ ác không bị trừng trị.
Những ai từng sống ở nông thôn đều biết nông dân đa phần là những người hiền lành, quanh năm chân lấm tay bùn, ít có xu hướng bạo lực. Họ thậm chí còn có tính nhẫn nhịn, nhiều khi là quá mức, như Nam Cao miêu tả trong những truyện ngắn của mình.
Nhưng năm ngoái, những người nông dân hiền lành đó đã buộc phải tập hợp lại để đuổi đánh những kẻ đòi tiền “bảo kê” máy gặt lúa ở Thanh Hóa. Hình ảnh được ghi lại cho thấy những nông dân bức xúc tra khảo một tên giang hồ bặm trợn, mình đầy máu me. Clip được hàng triệu người xem, bạn đọc căm phẫn thay cho nông dân, và khiến công an vào cuộc điều tra.
Nông thôn cần được gia cố với lực lượng thi hành pháp luật hiệu quả hơn, giám sát tốt hơn, và quan trọng hơn cả - đảm bảo công lý được thực thi một cách nghiêm minh và công bằng hơn. |
Nhưng nó mang nỗi bi kịch của thời đại: khi nỗi bức xúc trên mạng đi qua, người nông dân lại trơ trọi một mình với những bất trắc. Lúc đó, việc bảo vệ sự an toàn của gia đình và tài sản chỉ là câu chuyện cá nhân: hoặc là chấp nhận chịu thiệt, hoặc là phải đứng lên và chấp nhận những rủi ro khi đối đầu với những kẻ côn đồ, chuyên môn hóa bạo lực để trấn lột người khác.
Đó không còn là những hiện tượng đơn lẻ, và những xung đột với số tài sản tưởng như là nhỏ - thường dưới 2 triệu đồng, ngưỡng tài sản ăn trộm bị xử lý hình sự - lại dễ bộc phát thành những xung đột trầm trọng hơn. Cơn cuồng nộ của người dân nông thôn cũng vậy.
Từ Bắc đến Nam, những câu chuyện đốt xe, đánh hội đồng đến thiệt mạng những kẻ trộm chó không còn là hiếm. Lựa chọn ngược lại của những người này là gì? Vào năm 2014, ba thanh niên ở Củ Chi tử vong khi đuổi theo những kẻ trộm chó và bị bắn súng điện. Năm 2015, hai người thuộc một gia đình ở Gia Lai thiệt mạng khi bị kẻ trộm chó đâm chết. Khi pháp luật không đủ sức răn đe, bạo lực là viễn cảnh dễ thấy nhất.
Năm 2016, Bộ Công an ra Chỉ thị số 06/CT-BCA-C41 về tăng cường đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn. Chỉ thị cho rằng tình hình tội phạm ở khu vực này có xu hướng gia tăng, tỷ lệ xử lý hình sự chưa nhiều, với nguyên nhân chủ yếu là do công tác nắm tình hình và phối hợp ở cơ sở chưa tốt, và khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức.
Đó là những thừa nhận thẳng thắn, nhưng vấn đề ở nông thôn không hẳn chỉ là câu chuyện “buông lỏng quản lý” của chính quyền. Sau những thay đổi nhanh chóng về kinh tế, bộ mặt dân số và xã hội của nông thôn cũng có những biến chuyển lớn. Nhiều ngôi làng hiện nay bị khuyết thế hệ - chỉ còn người già và trẻ nhỏ - khi thanh niên theo nhau lên thành phố hoặc các khu công nghiệp kiếm việc làm.
Đô thị hóa lấn dần bờ xôi ruộng mật, tạo ra một lớp “nông dân không đất”, không việc làm, cùng với đó là sự phức tạp khi hình thành các khu vực dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn. Phân hóa giàu nghèo tăng lên, kéo theo đó một bên là sự bất mãn, một bên là tiềm tàng những rủi ro an ninh.
Trong bối cảnh đó, việc dựa vào hương ước hay khả năng tự quản của làng, xã không còn phát huy tác dụng. Nông thôn cần được gia cố với lực lượng thi hành pháp luật hiệu quả hơn, giám sát tốt hơn, và quan trọng hơn cả - đảm bảo công lý được thực thi một cách nghiêm minh và công bằng hơn. Việc đưa lực lượng công an chính quy về cơ sở, vốn được thực hiện theo các đề án cải cách gần đây, là biện pháp cần thiết nhưng chưa đủ.
Một giải pháp tổng thể hơn cần sự thích nghi nhanh chóng với những đặc điểm mới của nông thôn, đồng thời phối hợp được chặt chẽ với người dân ở cơ sở, dựa trên sự thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của họ. Suy cho cùng, nông dân vẫn là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, và sự ổn định ở nông thôn - xét trên khía cạnh đó - phải là một ưu tiên chính sách hàng đầu.
Theo Kinh tế Sài Gòn