Pháp chuẩn bị nhận chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, chia sẻ về kế hoạch dẫn dắt EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ hướng tới mục tiêu "một châu Âu hùng mạnh trên thế giới, một châu Âu hoàn toàn có chủ quyền, tự do lựa chọn và có thể làm chủ vận mệnh của mình".
Nhiệm kỳ chủ tịch EU mới của Pháp sẽ bắt đầu từ tháng 1/2022, trùng với thời điểm cuộc bầu cử tổng thống của nước này.
Trong bài phát biểu ngày 9/12 (giờ địa phương), Tổng thống Macron đã tiết lộ những ưu tiên của Pháp trong vai trò tân chủ tịch EU.
Hướng tới cải cách Schengen
Chia sẻ về những kế hoạch tương lai, ông Macron nói với các phóng viên rằng ông muốn một châu Âu "có thể kiểm soát các biên giới của mình" và sẽ đưa ra một cuộc cải cách đối với khu vực tự do đi lại Schengen.
Tổng thống Pháp chia sẻ: "Để ngăn chặn quyền tị nạn - vốn được bắt nguồn từ châu Âu và là quyền danh dự của chúng ta - khỏi bị sử dụng sai mục đích, chúng ta hoàn toàn phải xây dựng một Châu Âu biết cách bảo vệ biên giới của mình và tìm ra một tổ chức chính trị có thể đảm bảo những giá trị này. Đó là lý do cải cách Schengen cần được thực hiện".
Ông trích dẫn "những nỗ lực nhằm gây mất ổn định, căng thẳng bao gồm cả trong khu vực lân cận gần biên giới EU" là lý do của việc cải cách.
Trong những tháng gần đây, EU đã cáo buộc Belarus khuyến khích những người xin tị nạn từ đất nước này sang các nước láng giềng của EU là Ba Lan, Lithuania và Latvia.
Đồng thời, ông chủ Điện Elysee nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với lục địa châu Phi và thông báo một hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi sẽ được tổ chức vào tháng 2 tại Brussels (Bỉ).
Ông Macron phát biểu: "Đó là lợi ích chung của chúng ta. Chúng ta phải làm điều này với tư cách là người châu Âu, bằng cách xây dựng một tương lai cho thanh niên châu Phi để giảm bớt bất bình đẳng, đấu tranh chống lại nạn buôn người bóc lột sự khốn cùng và những kẻ buôn lậu".
Bảo vệ mô hình xã hội châu Âu
Mục tiêu thứ 2 được tổng thống Pháp đưa ra là "bảo vệ mô hình xã hội", kêu gọi "mô hình sản xuất phát hiển nhưng vẫn giữ được sự thống nhất".
Vào ngày 10 và 11/3 tới, Pháp dự kiến sẽ tổ chức "một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt xung quanh một mô hình đầu tư và tăng trưởng mới của châu Âu". Ông Macron nói với các phóng viên rằng nền kinh tế hậu COVID-19 của khối cần các quy định ngân sách mới.
Ông đề xuất "xem xét lại khuôn khổ ngân sách" của châu Âu trước đây và đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục ủng hộ hay chống lại quy tắc thâm hụt 3% "lỗi thời". Đồng thời, ông Macron cũng cho biết ông muốn có một "nghĩa vụ công dân châu Âu" kéo dài 6 tháng cho tất cả thanh niên dưới 25 tuổi.
Vấn đề khí hậu và phát triển kinh tế
Tổng thống Pháp tuyên bố với tư cách chủ tịch luân phiên của EU, Pháp đặt mục tiêu "dung hòa tham vọng khí hậu và phát triển kinh tế" và vạch ra kế hoạch về mức thuế carbon biên giới mới.
Ông chủ Điện Elysee chia sẻ: "Dưới thời Pháp làm chủ tịch, một trong những mục tiêu của chúng tôi với EU sẽ là thực hiện cơ chế điều chỉnh carbon hoặc thuế carbon nổi tiếng ở biên giới châu Âu. Điều này sẽ cho phép chúng tôi thực hiện quá trình chuyển đổi đối với tất cả các ngành công nghiệp, đồng thời duy trì khả năng cạnh tranh của mình".
Ông cho biết khối sẽ "hướng tới một công cụ của châu Âu để chống nạn phá rừng" và cấm nhập khẩu các sản phẩm góp phần vào nạn phá rừng.
Chuyển đổi kỹ thuật số là "ưu tiên hàng đầu"
Trong bài phát biển, ông Macron cũng vạch ra kế hoạch "biến châu Âu thành một cường quốc kỹ thuật số". Hai gói lập pháp hiện đang được tiến hành ở cấp độ EU bao gồm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số và Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số. Ông Macron nhận định đây sẽ là "ưu tiên hàng đầu" của nước chủ tịch EU nhiệm kỳ tới.
Minh Hạnh (Theo Euro News)