Cũng đã gần một tuần trôi qua kể từ chuyến đi với cảm xúc bồi hồi, xúc động của dự án Pháp lý học đường, một chương trình từ thiện tri thức do một số luật sư, chuyên gia pháp lý kết hợp với Trường phổ thông DTNT THCS&THPT huyện Si Ma Cai (Lào Cai) triển khai đào tạo dựa trên tâm lý lứa tuổi học đường.
Chúng tôi thấu hiểu nỗi trăn trở của cán bộ tư pháp địa phương vùng Si Ma Cai mà đã có lần quen biết nhau trước đó, về công việc và những khó khăn trong quá trình thực hiện niềm đam mê là tuyên truyêng, giáo dục pháp luật cho người dân.
Anh Lê Văn Quang, cán bộ Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1 huyện Si Ma Cai, có chia sẻ: “Ở đây là vùng giáp ranh biên giới, lại là vùng có rất nhiều các dân tộc thiểu số sinh sống rải rác ở các triền núi. Vì những sự hạn chế trong quá trình giao lưu và học hỏi văn hóa nên có rất nhiều các em học sinh, các bà con dân tộc bị lợi dụng để vi phạm pháp luật. Nóng lên các tệ nạn buôn bán người, ma túy lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hạn chế của các em học sinh chưa đủ tuổi vị thành niên…”.
Anh kể về vụ án diễn ra vào khoảng tháng 12 năm 2018, Giàng A Tếnh (17 tuổi, trú tại thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai) cùng đồng bọn sau khi dùng hung khí uy hiếp, bắt cóc hai nữ sinh lớp 8 một trường THCS trên địa bàn huyện Si Ma Cai đưa qua biên giới bán, sau đó tiếp tục bắt cóc một nữ sinh lớp 8 khác khi đang trên đường đến trường. Sự việc diễn ra gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người dân và các em học sinh tại đây.
Vụ án réo lên một hồi chuông báo động về nạn buôn bán người mà từ trước nay đang nóng thì nay lại còn nóng hơn do tuổi người phạm tội ngày cảng trẻ hóa. Nhận thức các em còn hạn chế, thiếu hiểu biết và dễ bị lợi dụng sa vào vòng lao lý, có thể là nạn nhân khi không biết tự cách bảo vệ mình, tại thời điểm trẻ em dễ bị tổn thương nhất bởi luật pháp thì các em lại hiểu biết ít nhất về pháp luật. Điều đó phải thay đổi.
Do đó, tinh thần chung của nhóm thực hiện dự án Pháp lý học đường, một dự án phi lợi nhuận, nhằm thúc đẩy những người hành nghề luật tham gia trợ giúp pháp lý cho trẻ em và thanh thiếu niên trong xã hội. Thực hiện các chuyến đi bằng cả tâm huyết với nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ mang tri thức - sức mạnh cho các em .
Đoàn bắt đầu lên xe từ 19h30 ngày 7/6, 4 giờ sáng ngày hôm sau đến thị trấn Bắc Hà. Nhưng để lên được tới huyện Si Ma Cai, chúng tôi đành phải bắt 1 chuyến xe trung chuyển nữa vì là đồi núi dốc nên chỉ có thể đi vào bằng những xe nhỏ, trên đường đi mới biết thế nào là đồi núi, dốc đá huyện Si Ma Cai. Nhận được sự tiếp đón nhiệt tình của anh Quang, thu xếp chỗ nghỉ xong, chúng tôi cùng anh vào trường hổ thông DTNT THCS&THPT huyện Si Ma Cai để làm việc.
Sau buổi học chính căng thẳng chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia, chúng tôi tiến hành tổ chức buổi giao lưu ngoại khóa cùng học sinh cấp học THPT ở đây với chủ đề: “Người chưa thành niên có phải chịu trách nhiệm hình sự?”
Một học sinh chia sẻ: “Em là dân tộc H’Mông, tuổi kết hôn ở đây rất sớm. Năm nay em 17 tuổi, bố mẹ bảo cho em học xong là cưới chồng, nhưng em không mong muốn điều đấy xẩy ra, em mong muốn đi học tiếp. Em thần tượng chị H’Hen Niê, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017với câu nói: “Tôi là một người dân tộc thiểu số, tôi đáng lẽ sẽ lấy chồng lúc 14 tuổi nhưng không, tôi chọn giáo dục. Đứng tại đây, tôi muốn nói tôi làm được và bạn cũng có thể làm được!”. Qua tâm sự đó cho chúng tôi thấy được khát khao thay đổi về suy nghĩ của các em lớn lao thế nào.
Hãy lắng nghe ý kiến của người sáng lập ra dự án, chị Lê Thị Huyền Trang: ”Thực tế hiện nay trẻ em trực tiếp tham gia vào các hoạt động của xã hội từ rất sớm và hiện tại có những hành vi vi phạm pháp luật mà các em đã phải chịu trách nhiệm hình sự từ năm 14 tuổi.
Trong quá trình hành nghề, chúng tôi nhận thấy rằng, số lượng các vụ án hình sự mà chủ thể đang ở lứa tuổi chưa thành niên là đáng báo động. Rất ít em hiểu được pháp luật đang điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội như thế nào nên nhiều vụ án không đáng có đối với lứa tuổi học đường đã xảy ra.
Sự thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật cùng tâm lý còn non nớt khiến bản thân các em không có đủ khả năng để xử lý những tình huống phức tạp, bất ngờ diễn ra trong cuộc sống. Chính những điều đó đã khiến cho không ít các bạn trẻ phải đánh đổi tuổi thanh xuân và tương lai tươi sáng bằng một cái giá rất đắt phía sau song sắt nhà tù.”
Nhóm thực hiện dự án, gồm những luật sư, chuyên viên pháp lý đến từ các văn phòng luật khác nhau, với mong muốn bảo vệ, giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên, cho rằng, cần thiết phải bổ sung kiến thức pháp luật cho các em khi chưa thành niên để tránh việc vi phạm pháp luật vì nhận thức chưa đầy đủ, gây nên những hệ lụy không đáng có, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đời các em trong tương lai.
Những người thực hiện dự án cũng cho rằng, việc giáo dục pháp luật cho các em học sinh phải phù hợp với lứa tuổi và nhận thức của các em ở từng bậc học, từng vùng, miền. Ngoài ra cần phải có sự phối hợp, thống nhất từ gia đình, nhà trường và xã hội để xây dựng một môi trường lành mạnh, từ đó tạo ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển và hoàn thiện nhân cách cho trẻ vị thành niên.
Lên xe trở về Hà Nội, cảm giác lưu luyến vẫn không nguôi trong lòng mỗi người, càng nhìn lại những gì đã làm được, chúng tôi càng thấy ý nghĩa hơn trong chuyến đi. Những người tham dự cam kết thực hiện việc từ thiện tri thức cho cộng đồng, tham gia giảng dạy, trợ giúp pháp lý cho trẻ em và thanh thiếu niên, các em đang gặp những vấn đề khó khăn liên quan đến pháp lý đặt trong các mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội.
Một lần nữa cảm ơn các em, các đơn vị địa phương, các giáo viên của trường, đồng thời rất mong được sự quan tâm giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức để dự án được tiến hành tốt hơn nữa, nhiều hơn nữa!
Võ Thắng - Văn Giác