Ngày 18/11, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết, Pháp vẫn đang xem xét cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa do Pháp cung cấp.
Theo ông Barrot, hồi tháng 5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai tuyên bố rằng Paris đang xem xét cho phép sử dụng tên lửa của mình để tấn công lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi từng công khai nói rằng đây là một lựa chọn mà chúng tôi sẽ cân nhắc nếu điều đó cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu mà Nga dùng để đánh vào Ukraine", ông Barrot cho hay.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer – khi đang ở Rio de Janeiro (Brazil) tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 – từ chối “đi vào chi tiết” về việc liệu Anh có cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow do London cung cấp tấn công lãnh thổ Nga.
Ông Starmer chỉ nói rằng London nhận thấy cần phải “tăng gấp đôi” sự hỗ trợ dành cho Ukraine để đảm bảo Kiev “có những gì cần thiết trong thời gian cần thiết”.
Trước đó, bà Maria Eagle – Quốc vụ khanh về mua sắm và công nghiệp quốc phòng Anh – nói với các nhà lập pháp Anh rằng London có ý định “liên kết với các đồng minh” trong chính sách giúp Ukraine “có thể tận dụng các nguồn lực đã được cung cấp” để đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi báo Le Figaro đưa tin, Pháp và Anh nhất trí cho phép Kiev sử dụng tên lửa SCALP/Storm Shadow do họ viện trợ để tập kích lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, hiện Le Figaro đã gỡ bỏ thông tin.
Đức, một thành viên khác của NATO, cũng tuyên bố nước này chưa có ý định chuyển tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Kiev.
"Chúng tôi có những nguyên tắc của mình và chúng tôi sẽ tuân thủ chúng. Có những lý do rõ ràng khiến tôi nghĩ việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine không phải quyết định đúng đắn", Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định.
Trước đó, Scholz đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng gửi tên lửa Taurus có tầm bắn khoảng 500km tới Ukraine. Những tên lửa này được coi là tương tự như tên lửa Storm Shadows mà Anh đã cấp cho Ukraine, nhưng Taurus có tầm bắn xa hơn. Theo ông Scholz, việc cung cấp các hệ thống vũ khí như vậy có thể làm leo thang tình hình nghiêm trọng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu thúc giục Mỹ và các đồng minh phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa để tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Moscow có thể triển khai vũ khí chưa từng sử dụng để đáp trả việc phương Tây dỡ bỏ hạn chế tên lửa tầm xa với Ukraine.
"Nếu Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ chúng tôi sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ và các quốc gia đồng minh của họ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột chống lại Nga, cũng như sự thay đổi căn bản về bản chất của cuộc xung đột. Khi đó, phản ứng của Nga là sẽ phù hợp và hữu hình", RT dẫn lời bà Maria Zakharova.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn im lặng về vấn đề này, song con trai ông là Donald Trump Jr. cáo buộc điều đó chẳng khác nào muốn làm leo thang xung đột.
Hồi tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin nói việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tập kích Nga đồng nghĩa Mỹ và các nước NATO trực tiếp tham chiến ở Ukraine. Ông cảnh báo động thái này sẽ làm thay đổi bản chất cuộc xung đột và buộc Nga phải có biện pháp đối phó thích hợp với các mối đe dọa.
Lãnh đạo Nga khẳng định Ukraine sẽ không thể tấn công sâu vào lãnh thổ nước này nếu không có hỗ trợ của phương Tây, vì hoạt động này đòi hỏi phải có thông tin tình báo vệ tinh và các chuyến bay trinh sát.