Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo - lần đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức, nhưng bất ngờ là tân Tổng thống Mỹ phản ứng khá bình tĩnh với sự khiêu khích này.
Donald Trump im lặng
Những ngày đầu năm 2017, Triều Tiên đã đe dọa sẽ sớm thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vào thời điểm đó, Tổng thống đắc cử Donald J. Trump đã có phản ứng gay gắt đặc trưng. Ông Trump tuyên bố, sẽ ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân và khẳng định rằng "điều đó sẽ không xảy ra!".
Tuy nhiên, chỉ 6 tuần sau đó, Triều Tiên đã bất chấp phóng tên lửa ra biển. Ông Donald Trump, - hiện đã là Tổng thống Mỹ, lại phản ứng với sự kiềm chế đáng ngạc nhiên. Xuất hiện trước ống kính tối 11/2 (giờ Mỹ) ở Florida với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Trump đã đọc một tuyên bố bao gồm 23 lời cam kết hỗ trợ của Washington với Tokyo. Tuy nhiên, ông Trump không hề nhắc nhở gì đến Triều Tiên.
Phản ứng im lặng, bình tĩnh của ông trái ngược hẳn với vụ việc Iran thử nghiệm một tên lửa đạn đạo. Tổng thống đã chỉ đạo cố vấn an ninh quốc gia công bố rằng Mỹ "chính thức đưa Iran vào diện cảnh báo" và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới ngay sau đó.
Tuy nhiên, với thử nghiệm của Triều Tiên, nhiều nhà phân tích tin rằng ông Trump muốn khẳng định mình sẽ không bị kéo vào một cuộc đối đầu khi đối thủ của Mỹ cố tình chọc giận. Ít nhất là, Donald Trump sẽ không phản ứng ngay lập tức.
Ông Trump bình tĩnh trước vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Mirror |
Trong thời gian ngắn ngủi của mình tại văn phòng, ông Trump đã cho thấy việc ông có thể bình tĩnh vào một khoảnh khắc nhưng rồi lại nóng nảy ngay sau đó. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên là ngay cả sau khi thức dậy vào buổi sáng ngày 12/2, ông đã chọn công kích Mark Cuban, chủ sở hữu của Dallas Mavericks.
Lầu Năm Góc vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Jeffrey A. Bader, một học giả châu Á tại Viện Brookings, người từng là cố vấn châu Á của Tổng thống Barack Obama nói: "Tôi cho rằng Nhà Trắng chưa có một chiến lược nào, vì vậy ông Trump mới nói ít như vậy khi đang ở cùng ông Abe. Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta không thể giữ im lặng mãi. Tại một số thời điểm, chúng ta bắt buộc cần phải trình bày rõ chiến lược".
Tên lửa của Triều Tiên không gây nguy hiểm cho Mỹ?
Sự im lặng của Donald Trump cũng phản ánh một thực tế rằng, tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm chỉ là một tên lửa tầm trung, theo quân đội Mỹ. Nếu không phải là một tên lửa liên lục địa, hoặc ICBM thì rõ ràng động thái của Triều Tiên không có khả năng gây nguy hiểm cho Mỹ.
Tên lửa đã bay khoảng gần 500km trước khi rơi vào vùng biển Nhật Bản, theo quân đội Hàn Quốc. Từ đó, Seoul dự đoán tên lửa được bắn đi có thể là Musudan.
Triều Tiên thường xuyên thử nghiệm tên lửa, vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Thậm chí, Bình nhưỡng đã khoe khoang rằng họ có thể thử nghiệm ICBM "bất cứ lúc nào và bất kỳ nơi nào". Thử nghiệm mới nhất đặt ra một mối đe dọa tiềm năng cho các đồng minh Nhật Bản và Hàn Hàn Quốc cùng lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, nhưng không thể tấn công trực tiếp đến Mỹ.
"Vẫn chưa rõ ràng về loại tên lửa đã được thử nghiệm", Thomas Karako, một chuyên gia tên lửa tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington nói. "Điều chắc chắn là Triều Tiên hiện nay đã bắt đầu năm 2017 bằng cách tiếp tục đẩy mạnh tốc độ thử nghiệm tên lửa".
Triều Tiên đã thách thức ông Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên với một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất, chỉ 4 tháng sau khi ông nhậm chức. Hệ quả là thái độ cứng rắn của ông Obama đối với Triều Tiên trong suốt những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Tổng thống, theo các trợ lý cũ. Thay vì cố gắng thương lượng như Bill Clinton và George W. Bush đã làm, Barack Obama đã tập trung vào thắt chặt lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên và củng cố liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tầm xa của tên lửa chưa thể đe dọa trực tiếp đến Mỹ. Ảnh: NYTimes |
Ông Trump có thể lựa chọn phản ứng như thế nào với Triều Tiên?
Ba tuần đầu trong văn phòng, chính quyền Donald Trump vẫn đang cố gắng để tìm vị thế của mình trên trường quốc tế. Ngoại trưởng Rex W. Tillerson mới tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1/2 vừa qua và thậm chí không có một phó Ngoại trưởng. Có thể nói, ông Trump đang thiếu đội ngũ cố vấn đáng tin cậy.
Thử tên lửa là thách thức đầu tiên mà Kim Jong-un gửi đến đến cho ông Trump. Hành động này xảy ra ngay khi tân Tổng thống Mỹ đang đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Một số nhà phân tích dự đoán có thể là ông Abe đã khuyên ông Trump nên phản ứng bình tĩnh. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng đánh giá động thái của Triều Tiên là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Trên thực tế, ông Trump có rất ít lựa chọn với Triều Tiên. "Lựa chọn của Tổng thống là khá hạn chế", ông Bonnie Glaser, một chuyên gia châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho biết.
Mỹ đã nghĩ đến việc gây áp lực để khiến Trung Quốc cứng rắn hơn với Triều Tiên. Tuy nhiên, biện pháp này rất khó thực hiện vì sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã tác động không ít đến thương mại, tiền tệ và vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc.
Một lựa chọn khác là Nhà Trắng có thể đề nghị đàm phán hoặc thậm chí là đe dọa quân sự. Rõ ràng là, rất khó để trao đổi được với Triều Tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân và xung đột quân sự lại là lựa chọn tồi tệ nhất.
Biện pháp thông thường nhất được Mỹ áp dụng với Triều Tiên, Iran từ trước đến nay là cảnh báo và áp đặt lệnh trừng phạt. Thế nhưng, dường như Bình Nhưỡng đã quá quen với các lệnh cấm vận và vẫn sẽ không dừng thử nghiệm tên lửa, thậm chí là bom H.
Evan S. Medeiros, giám đốc quản lý tại Tập đoàn Eurasia và một cựu cố vấn ông Barack Obama cho biết: "Vấn đề vũ khí hạt nhân có thể sẽ trở thành một trong những thách thức an ninh lớn nhất ở khu vực châu Á với Tổng thống Trump, nếu không muốn nói là trên toàn cầu".
(Theo NYTimes, Reuters, Bloomberg)