Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng việc Bộ Y tế đề xuất quy định tên văn bằng gắn với tên vị trí việc làm ngành y (bác sĩ, dược sĩ) là không phổ biến trên thế giới.
Theo Bộ GD&ĐT, khi sửa luật Giáo dục đại học (luật GDĐH), tiếp thu ý kiến của Bộ Y tế, ở một số Dự thảo trước, ban Soạn thảo đã đưa vào nhiều quy định về nhân lực (bác sĩ, dược sĩ…) như Điều 6 (Quy định về trình độ đào tạo), Điều 33 (Mở ngành đào tạo), Điều 37 (Tổ chức đào tạo), Điều 38 (Cấp văn bằng chứng chỉ), Điều 45 (Liên kết đào tạo)... và giao cho Chính phủ quy định chi tiết các vấn đề đó.
Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đoàn ĐBQH…, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, các trình độ của bậc GDĐH chỉ nên là Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ như hầu hết các nước khác. Nếu quy định trình độ tương đương thì không minh bạch; khó có cơ chế kiểm soát. Nếu quá nhiều điều giao cho Chính phủ quy định sẽ làm rối và có thể làm giảm hiệu lực của văn bản luật…
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng. |
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Để văn bản luật có tính liền mạch, ổn định, tránh tình trạng mỗi điều, mỗi vấn đề lại có quy định riêng bên cạnh, đồng thời giao cho Chính phủ quy định cụ thể về quy định riêng đó (như đề xuất trong một số văn bản của bộ Y tế); để thuận lợi trong quá trình hướng dẫn, tra cứu, triển khai và áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam, ban Soạn thảo đã tổng hợp các vấn đề cần quy định riêng trong nội dung sửa Điều 73 và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, chương trình đào tạo, điều kiện tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo, trình độ tương đương, văn bằng, chứng chỉ”.
Trước đó, Bộ Y tế cho rằng, trong đào tạo y khoa là đào tạo song song theo cả 2 hướng hàn lâm và chuyên nghiệp, do vậy, nếu không quy định về trình độ cụ thể cho đối tượng đào tạo nhân lực này trong luật, mà giao Chính phủ quy định về xác định chỉ tiêu, thời gian đào tạo… như ở Điều 73, sẽ chỉ làm rối hệ thống thêm mà không giải quyết được việc nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế.
Về quan điểm trên của Bộ Y tế, bà Phụng nhận định: “Theo kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới thì việc quản lý tổ chức đào tạo, quy định trình độ nghề và cấp chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu thường thuộc thẩm quyền của hiệp hội nghề nghiệp hoặc của cơ quan quản lý chuyên môn. Việc quy định tên văn bằng gắn với tên vị trí việc làm (bác sĩ, dược sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư…) trong hệ thống giáo dục quốc dân không phổ biến trên thế giới, chỉ gặp trong mô hình đào tạo của Liên xô và một số nuớc Đông Âu trước đây.
Tuy nhiên, trong chuơng trình đào tạo lấy văn bằng của một số nước có tích hợp dạy một số học phần kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu. Những người đã học chương trình đó để lấy văn bằng có thể đuợc miễn các học phần này khi tham gia các chương trình đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu. Ban Soạn thảo đã tham khảo luật GDĐH của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia Indonesia, Đức, Trung Quốc… thì chưa thấy có nước nào quy định về đào tạo bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú trong luật GDĐH”.
Công Luân
Theo Người Đưa Tin