Bên lề Quốc hội, các đại biểu nhận định: Ngày đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện rất chất lượng và trí tuệ. Các câu hỏi chất vấn đã sát với thực tế; câu trả lời của các Bộ trưởng rõ ràng, thẳng thắn, không né tránh, nhận rõ trách nhiệm của ngành và cá nhân Bộ trưởng.
Nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới
Đại biểu Quốc hội Cà Mau Lê Thanh Vân. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Nhiều đại biểu nhận xét Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nêu được rõ nhiều vấn đề nhưng cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm giải quyết về những nội dung cụ thể, như: Tái cơ cấu ngành, tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, liên kết tổ chức sản xuất, đảm bảo đầu ra cho nông sản. Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng Bộ trưởng đã nắm vấn đề tốt; đưa ra được những vấn đề đã, đang giải quyết và cả triển vọng giải quyết. Đối với những vấn đề nóng, Bộ trưởng trả lời rành mạch. Với những thông tin Bộ trưởng cung cấp trước Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri có thể tin tưởng những vấn đề đặt ra đối với ngành nông nghiệp sẽ được giải quyết trong thời gian tới.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) khẳng định sự phối hợp giữa các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là cấn thiết. Điểm mấu chốt là các Bộ liên quan cần thống nhất xác định những sản phẩm nào là sản phẩm chính của nền nông nghiệp nước ta, từ đó cùng tìm giải pháp giúp phát triển sản phẩm.
Thể hiện quan điểm nông nghiệp là lĩnh vực đa ngành, vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có quy hoạch rõ ràng đối với từng lĩnh vực, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) lấy ví dụ: Trong lĩnh vực trồng trọt, cần lấy cây lúa là chủ đạo, là chiều sâu để nâng cao chất lượng hàng hóa. Về lĩnh vực chăn nuôi, cần nâng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Hiện, trong chăn nuôi vẫn tự phát không theo chuỗi sản xuất. Một số tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực này đã làm rất đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nhưng số này chưa nhiều. Chăn nuôi vẫn chủ yếu là về bề rộng, chưa đi vào chiều sâu để nâng cao chất lượng, tạo nên sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh đó, trong việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y... là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm. Nếu sản phẩm nông nghiệp an toàn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế không phải quản lý nữa. Đây là vấn đề Bộ trưởng cần tập trung quan tâm giải quyết.
Nêu thực tế qua đi khảo sát về việc nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nêu rõ: Việt Nam có dư địa rất lớn, với 28 tỉnh ven biển; nhưng, đầu tư về đánh bắt nuôi trồng thủy sản còn hết sức khiêm tốn. Tàu đánh bắt nhỏ. Hầu như tại 28 tỉnh, luồng lạch để bảo đảm tàu ra đều bị cạn. Điều này rất nguy hiểm cho tàu trong việc di chuyển đánh bắt cá, trung chuyển hàng hóa và đặc biệt khi có bão. Về nuôi tôm, chủ yếu là do các hộ kinh doanh cá thể thực hiện, những "đại gia" hoạt động trong lĩnh vực này đều "vắng bóng" tại 28 tỉnh. Bà con nông dân tự bỏ tiền đầu tư nên hiệu quả thấp, phát sinh nhiều bệnh dịch, việc xuất khẩu ra các nước gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng cần quan tâm và có Chiến lược đồng bộ nâng cao toàn diện chất lượng, thương hiệu hàng hóa để cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và vươn ra thế giới.
Đại biểu kỳ vọng Bộ trưởng và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập để thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao đời sống của người nông dân, xây dựng nông thôn mới.
Cần quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: Những câu hỏi đặt ra đối với Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đều là những câu hỏi khó, liên quan đến nhiều vấn đề nóng trong xã hội. Theo đại biểu, thời gian qua, mối quan tâm chủ yếu là về vấn đề kinh tế và chừng mực nào đó đi vào chi tiết cụ thể trong việc tổ chức lễ hội, du lịch..., chưa đi sâu vào lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nhưng vấn đề văn hóa của xã hội và nền tảng của mỗi con người cũng rất cần sự định hướng, xem xét lại để làm cho đúng vì quá nhiều giá trị đã bị mất trong thời gian qua. Cụ thể những sai phạm về văn hóa, giáo dục, hiện tượng xã hội chính là hệ quả của việc buông lỏng "mặt trận" văn hóa. Nên có sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần trong lĩnh vực văn hóa.
Đại biểu nhấn mạnh: trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận trách nhiệm về những hạn chế trong ngành văn hóa - đây là một sự tiến bộ, nhận rõ trách nhiệm của mình sai ở đâu, xã hội cần gì để tập trung chỉ đạo giải quyết. Quyết tâm làm là một việc nhưng nguồn vốn được cung cấp để làm, sự đồng thuận của xã hội, sự thống nhất trong lãnh đạo còn nhiều khó khăn... tuy nhiên Bộ trưởng đã thấy được trách nhiệm của mình. Đó cũng là điểm đáng ghi nhận.
Ghi nhận đối với việc Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận trách nhiệm ngay đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) mong muốn Bộ trưởng cần thể hiện cụ thể việc nhận trách nhiệm như thế nào, bởi "nhận trách nhiệm rất dễ nhưng vấn đề ở chỗ là phải làm gì để thể hiện trách nhiệm với vấn đề văn hóa. Bởi, nếu hành xử với văn hóa không đúng sẽ làm phai nhạt những gì đã được tích lũy thành văn hóa".