Theo báo VietNamnet, về vấn đề này, ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết, Thanh tra Bộ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc các rạp chiếu phim chấp hành đúng quy định pháp luật về điện ảnh, trong đó phải đảm bảo tuổi vào xem phim đúng như dán nhãn.
Trước thông tin về một số rạp chiếu phim kiểm soát chưa chặt chẽ, để khán giả dưới 18 tuổi vào rạp xem Mai mà không phải xuất trình giấy tờ tùy thân, Chánh Thanh tra Lê Thanh Liêm cho biết sẽ chỉ đạo ngay thanh tra văn hóa vào cuộc để kiểm tra, giám sát.
Đại diện Bộ VHTT&DL khẳng định, nếu các rạp không làm nghiêm ngặt, khi kiểm tra phát hiện sai phạm, Thanh tra Bộ sẽ xử lý. Việc này được quy định cụ thể ở nội dung về phổ biến phim trong rạp chiếu phim, phổ biến phim trên không gian mạng.
Theo quy định, người đứng đầu rạp chiếu phim sẽ chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát độ tuổi của người xem phim. "Chúng tôi đã có văn bản gửi Thanh tra Sở VHTT địa phương và hệ thống thanh tra ngành dọc sẽ vào cuộc ngay”, ông Liêm nói.
Trước đó, theo phản ánh của truyền thông, bộ phim Mai của Trấn Thành thu hút đông đảo khán giả và liên tục lập những cột mốc mới về doanh thu. Tính tới tối 21/2, Mai đã đạt doanh thu 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại một số rạp chiếu có xuất hiện tình trạng nhiều khán giả dưới 18 tuổi mua vé xem phim Mai dù tác phẩm này dán nhãn 18+. Tình trạng này xảy ra khi khán giả khai không đúng tuổi, các rạp không kiểm soát giấy tờ tùy thân, theo VTC News.
Chia sẻ trên báo Dân trí về việc học sinh vô tư vào rạp xem phim Mai đã dán nhãn 18+, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang, Chuyên gia Tâm lý - Giáo dục, cho rằng thực trạng này có nhiều vấn đề cần xem xét.
Theo bà Giang, trẻ em dưới 18 tuổi có tâm lý chung là hiếu kỳ, nhiều sự tò mò về tình yêu, cuộc sống và thích thể hiện mình là người lớn.
Việc truyền thông quá tốt của phim Mai khiến cho các em muốn được xem và vì chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc xem phim quá tuổi, nên các em sẵn sàng "khai gian" để được vào rạp.
"Thực tế, chúng ta phải đặt câu hỏi rằng chính người lớn, bố mẹ của các em cũng có nhận thức được thế nào là phim 18+ chưa, có biết con đi xem phim đó không, có khuyên nhủ gì con không? Nếu câu trả lời là không, chúng ta cũng nên nhìn nhận lại, đây không chỉ là vấn đề của con, mà là của cả gia đình, thậm chí nhà trường", Tiến sĩ Giang nói.
Về phía hệ thống nhà rạp chiếu phim, chuyên gia cho rằng, đây là các đơn vị kinh doanh, và nhiều nơi đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, sau đó mới là những vấn đề khác. Do vậy, theo chia sẻ của nhiều học sinh, là mua vé không cần xuất trình giấy tờ, mà chỉ dựa trên lời nói của khán giả, các em đã nhiều lần xem phim gắn nhãn 18+ , thể hiện sự "tắc trách" của đơn vị chiếu phim.
"Việc làm này có thể khiến các rạp chiếu phim gia tăng doanh thu, lợi nhuận nhưng về mặt xã hội, nó gây ra những hậu quả rất khó lường. Do vậy, những đơn vị làm công tác này, cần phải có ý thức về cộng đồng cũng như đạo đức trong nghề nghiệp. Tôi nghĩ, các cơ quan chủ quản, trong khi đợi các nhà rạp tự giác, cũng cần có biện pháp xử phạt nếu như phát hiện vi phạm về việc bán vé sai độ tuổi, hoặc bắt buộc yêu cầu xuất trình giấy tùy thân với phim cấm trẻ em.
Phim ảnh cũng như hệ thống rạp chiếu phim, phục vụ nhu cầu văn hóa, giải trí cho người dân. Do vậy, thật đáng tiếc nếu vì những lý do nào đó, mà nó trở thành nơi khiến các em bị ảnh hưởng về tinh thần và lệch lạc về nhận thức, hành vi sau này", nữ Tiến sĩ thẳng thắn.
Bảo An(T/h)