Người đàn ông ấy mang tội giết người và thật đau đớn nạn nhân lại chính là con trai của mình. Chia sẻ cùng phóng viên trong dịp Tết đến Xuân về, người đàn ông cô đơn đến tột cùng, trong lòng giăng giăng nỗi buồn và sự ân hận.
Nhọc nhằn phận “gà trống nuôi con"
Hơn 10 năm trôi qua nhưng đối với phạm nhân Đặng Văn Giải (SN 1956, thụ án tại trại giam Đắc Tân – Bộ Công an) vẫn chưa khi nào nguôi về tội lỗi mà mình đã gây ra. Có thể nói, tội lỗi đó cũng chính là nỗi đau, nỗi dằn vặt lớn nhất trong tâm trí người cha này.
Với giọng nói ăn năn, run run phạm nhân Đặng Văn Giải chia sẻ với PV Người Đưa tin Pháp luật: “Tôi quê gốc ở tỉnh Hải Dương. Năm 1973, tôi đi thoát ly làm công nhân ở Quảng Ninh. Sau khi lấy vợ thì cuộc sống khó khăn, cả gia đình chuyển vào trong Đồng Nai lập cư. Dù kinh tế eo hẹp nhưng gia đình rất hạnh phúc. Vợ chồng tôi sinh được 4 đứa con khỏe mạnh, có nếp có tẻ, 2 trai, 2 gái. Thế nhưng, hạnh phúc ấy không được dài lâu khi vợ tôi bị trọng bệnh, tôi phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho vợ nhưng số phận vẫn chia cắt chúng tôi…
Vợ tôi mất đi, cảnh gà trống nuôi con rất vất vả. Khi đó, đứa con trai út mới được vài tuổi, còn đứa con gái lớn cũng phải đi làm thuê để phụ giúp cha lấy tiền nuôi 3 em ăn học. Tôi cũng không muốn đi bước nữa vì rổ rá cạp lại, rồi cảnh con anh - con tôi, sợ bất hòa mâu thuẫn, làm khổ các con. Cho nên tôi ở vậy suốt nhiều năm, cố gắng nuôi nấng, mong các con trưởng thành”.
Trải lòng với phóng viên, phạm nhân Đặng Văn Giải cố kìm nén để những giọt nước mắt không trào ra. |
Thế nhưng, éo le cuộc đời vẫn chưa hết. Sau khi mẹ mất, đứa con trai thứ hai của ông Giải trở nên khó bảo, thường xuyên trốn học đi chơi, giao du với bạn bè xấu. Ông nhiều lần tìm cách nói chuyện với con nhưng rồi cũng đành bất lực. Cậu con trai này bỏ nhà đi bụi, sống lang thang nay đây mai đó, thậm chí cũng chẳng liên lạc điện thoại về nhà hỏi thăm bố và các chị em. Có giai đoạn, bản thân ông cũng chẳng biết con đang ở đâu, sống như thế nào, lâu lâu nó mới chịu tìm về.
“Tôi cũng đã nói nhiều lần rằng, bây giờ mẹ thì mất rồi, bố phải vất vả nuôi các con. Trong khi nhà mình chỉ cấy ruộng thôi, không có thu nhập nào thêm. Cho nên con phải ở nhà, mấy chị em tập trung vào giúp bố việc đồng áng, cố gắng lo cho 2 em tiếp tục ăn học… Thế nhưng, nó không nghe, đi suốt ngày tháng, thậm chí gây sự hết chuyện nọ đến chuyện kia! Có Tết nó cũng chẳng buồn về thăm nhà. Trước đây gia đình tôi là gia đình văn hóa của ấp, từ khi đứa con trai thứ hai trở nên như vậy thì ấp cắt luôn danh hiệu”, phạm nhân Đặng Văn Giải hồi tưởng.
Cả đời day dứt, ăn năn
Cho đến khi con gái cả đi lấy chồng, con gái thứ ba đi làm công nhân ở xa, ở nhà chỉ còn lại 3 bố con là đàn ông. Lúc này, ông Giải cố gắng phân tích cho cậu con trai thứ hai hiểu rằng, bố đã nhiều tuổi, em trai thì đang tuổi ăn, tuổi lớn, 3 bố con phải hòa thuận, dựa vào nhau mà sống.
“Khi đó, đứa con trai thứ hai về nhà bảo với tôi là đã tìm được công việc ở Đắk Nông, khuyên bố bán nhà ở Đồng Nai rồi chuyển sang bên đó. Tôi cũng nghĩ, giờ nhà còn có 3 bố con thì bán đi cũng được, sang bên huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông mua rẫy để canh tác, sinh sống gần các con… Thế nhưng không ngờ, sang đó, thằng con thứ hai vẫn không bỏ được tật cứ rượu vào lại hay gây gổ đánh nhau. Bố khuyên cũng chẳng được, vài lần tôi cũng có lớn tiếng mắng con”, người cha đau khổ giãi bày.
Trải lòng đến đây, giọng nam phạm nhân lạc đi, nghẹn ngào: “Thưa với nhà báo, hôm xảy ra bi kịch, tôi đã không thể ngờ được sự việc lại diễn ra nhanh như thế. Thời điểm đó, mấy bố con mới chuyển vào Đắk Nông sinh sống, mua rẫy trồng khoai. Buổi trưa ngày 21/8/2010, mấy bố con có uống chén rượu liên hoan. Đến chiều, tôi nghe tin thằng con thứ hai muốn bán đổi rẫy mà không bàn bạc với bố.
Chập tối hôm đó, nó sang nhà người môi giới đất để trao đổi, tôi nghe tin nên cũng sang tìm nó. Tại đây, 2 bố con có lời qua tiếng lại. Nó ngồi ghế bên trong, vớ được con dao Thái để trên nóc tủ lạnh, rồi xô ra nói “tôi sẽ đánh chết ông”. Trong lúc mất bình tĩnh, tôi giằng được con dao vung ra ngoài, không may trúng ngay bên sườn trái của con trai. Mọi người đưa cháu đi cấp cứu nhưng không kịp, trên đường đi thì con tôi mất. Sau đó, tôi cũng bị công an bắt”.
Một góc trại giam Đắc Tân – Bộ Công an. |
Đôi bàn tay đan chặt vào nhau, rồi gạt ngang dòng nước mắt, người cha tội lỗi tiếp tục trần tình: “Sự việc đến với tôi quá bất ngờ! Cả đêm hôm đó tôi ân hận vô cùng! Người ta thường nói, "hổ dữ không ăn thịt con", vậy mà tôi lại cướp đi mạng sống của con. Vợ tôi mất đi, tôi vừa làm bố lại vừa làm mẹ, nuôi con trai đến 26 tuổi đầu mà chính tôi lại làm hại con mình. Dù pháp luật khoan hồng, nhưng “bản án lương tâm” vẫn theo tôi đến cuối đời”.
Khi nhắc về cái Tết đầu tiên sau song sắt, phạm nhân Đặng Văn Giải nói: “Nhớ lại những cái Tết trước đây khi còn đủ vợ, con – đó là những cái Tết sum vầy, ấm cúng, hạnh phúc nhất… Cho đến khi tôi gây án, bị tòa xử 15 năm tù, cái Tết đầu tiên sau song sắt khiến tôi cảm thấy nhớ nhà, nhớ các con vô cùng. Tôi nghĩ, chỉ có cách cải tạo thật tốt để được giảm án, sớm trở về với gia đình. Cũng may là ở trong trại giam, được ban Giám thị và các cán bộ rất quan tâm, hiểu tâm tư phạm nhân, gần gũi động viên, giúp chúng tôi ổn định tư tưởng, tích cực cải tạo.
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, phạm nhân cũng được quây quần gói bánh chưng; trang trí mai, đào; dán tranh, làm bích báo; làm thơ, ngâm thơ cho nhau nghe, chơi trò chơi bổ ích… giúp chúng tôi phần nào vơi đi quá khứ buồn, hướng về tương lai tốt đẹp hơn”.
Mơ về những ngày đoàn viên, ấm áp tình cha con! Phạm nhân Đặng Văn Giải chia sẻ về điều mà hằng đêm vẫn luôn nghĩ tới: “Hiện nay, mộ của vợ tôi vẫn ở Đồng Nai, còn mộ của con trai thứ hai thì ở Đắk Nông. Tôi cũng sắp mãn hạn tù rồi. Sau khi ra trại, điều đầu tiên tôi muốn làm là sẽ cùng các con sang cát cho đứa con trai thứ hai, rồi đưa cháu về gần mẹ. Có lẽ như thế sẽ khiến cho lòng tôi vơi bớt nỗi day dứt bấy lâu nay. Và điều thứ hai tôi trăn trở, đó là đứa con út vẫn chưa yên bề gia thất. Chỉ muốn nhắn các con một điều là đợi bố về! Tôi sẽ cố gắng làm lại, lo cho con út lấy vợ. Rồi gia đình sẽ có những ngày đoàn viên, ấm áp tình cha con”. |
Nguyễn Hường - Thủy Tiên
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (8)