+Aa-
    Zalo

    Phận đời buồn của những nữ công nhân mang tiếng... "ế"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - B. có thai 3 tháng mà T. không đoái hoài gì đến chuyện tổ chức lễ cưới. Rồi T. lộ ra chuyện đã có vợ và một con ở quê khiến B. chết lặng. Nhưng lúc đó bỏ bào thai đi thì B. không bao giờ dám.

    (ĐSPL)- B. có thai 3 tháng mà T. không đoái hoài gì đến chuyện tổ chức lễ cưới. Rồi T. lộ ra chuyện đã có vợ và một con ở quê khiến B. chết lặng. Nhưng lúc đó bỏ bào thai đi thì B. không bao giờ dám.

    Đó chỉ là một trong vô vàn những phận đời hẩm hiu của những nữ công nhân ở các khu công nghiệp hiện nay. Cuộc sống công nhân vất vả, tăng ca liên miên, thu nhập lại chẳng được là bao, họ đang phải chịu những thiệt thòi khó có gì bù đắp. Nhiều người muộn chồng, mang phận "gái ế", cũng có những người vướng phải "lưới tình" rồi ngậm đắng suốt cả quãng đời còn lại.

    Ngậm đắng làm gái đơn thân…

    Một trong những trường hợp mà chúng tôi đã gặp là Đinh Thị B., sinh năm 1988, quê ở huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Lúc gặp chúng tôi, B. đang hớt hải đón xe để đưa con gái hơn 3 tuổi đang bị đau mắt đi bệnh viện trong hoàn cảnh chồng không có, tiền lương cũng chưa đến kỳ lĩnh mà chưa biết xoay sở như thế nào.

    Trong lúc đợi xe, B. kịp chia sẻ với chúng tôi về sóng gió cuộc đời, cùng những khó khăn của mình trước khi vào làm công nhân cũng như khoảng thời gian hiện nay đang gắn bó với Công ty Samsung, khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh.

    Bi kịch của gái “ế” tìm chồng

    Giờ nghỉ trưa của công nhân Công ty Samsung.

    B. cho biết, hiện nay cô đang là mẹ đơn thân, câu chuyện thì dài lắm nhưng nguyên nhân dẫn đến việc đó là: “Do em dại và hoàn cảnh, môi trường làm việc của em lúc đó khiến em phải làm vậy”.

    B. chậm rãi kể, trước khi vào làm việc ở Công ty Samsung như hiện nay, cô có một thời gian làm việc tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Phận công nhân chỉ biết làm việc để kiếm làm sao được nhiều tiền nhất nên cô cũng chịu khó làm tăng ca. Cuộc sống của cô lúc đó gắn với vòng quay là "ăn - làm việc - ngủ" ngày này qua ngày khác. Đến một lúc cô giật mình khi nhận ra ở độ tuổi của mình ở quê thì các cụ đã liệt vào “đội gái ế chồng”, lúc đó cô thấy lo lắm. Nhưng vì làm việc trong môi trường công ty may, toàn công nhân nữ, cả công ty có 200 công nhân công ty chỉ vỏn vẹn năm người con trai nên cô cũng chẳng hy vọng gì nhiều.

    Thế rồi đến một ngày, B. sung sướng nghĩ có lẽ mình là một người may mắn hơn các bạn trong công ty, khi được T.- một trong số 5 người con trai ít ỏi của công ty để ý. Tuy bạn trai hơn B. 10 tuổi và điều kiện kinh tế không có gì khá giả, nhưng chợt nhớ điều kiện và môi trường của mình đang sống có lẽ không có điều kiện để tìm được người ưng ý hơn, vậy là B. gật đầu. Sau đó, cô có thai khi hai người chưa kịp nghĩ đến chuyện tổ chức đám cưới.

    B. có thai 3 tháng mà T. không đoái hoài gì đến chuyện tổ chức lễ cưới. Rồi T. lộ ra chuyện đã có vợ và một con ở quê. Tin T. đã có vợ và con làm B. chết lặng. "Nhưng lúc đó bỏ bào thai đi thì không nỡ, bỏ đi rồi ở môi trường này biết lấy ai, em nghĩ thế và quyết định sinh con", B. buồn rầu kể.

    Trước ngày sinh con một tháng, T. cũng bỏ công ty, “biến mất” không tăm hơi, để mình B. “vượt cạn” và khổ nhọc nuôi con đến nay cháu được 3 tuổi với cuộc sống khổ cực từng ngày. Trước khi đến làm việc ở công ty Samsung, B. và con đã phải xin vào chùa ở nhờ một thời gian để vượt qua những ngày đầu vất vả.

    B. tâm sự: “Phận công nhân bọn em hiện nay khổ lắm anh ạ, lương thấp, thời gian làm việc nhiều, môi trường làm việc toàn nữ nên không có cơ hội lựa chọn tình yêu cho mình. Khu nhà trọ của em cũng có nhiều bạn bị lừa tình rồi phải đi giải quyết hậu quả, tủi nhục lắm anh ạ. Em cũng có nhiều cô bạn phải mang tiếng "ế" vì mãi cũng chẳng tìm được ai, có người tìm được lại vớ phải người chẳng ra gì”.

    Tiếp xúc với nhiều trường hợp khác, chúng tôi nhận thấy, lao động tại các khu công nghiệp đa số là lao động phổ thông, phần lớn trong số đó là những nữ công nhân vừa rời ghế trường phổ thông, họ còn quá trẻ. Cộng thêm việc họ không được giáo dục tốt về sức khỏe sinh sản nên rất nhiều trong số đó đã trở thành nạn nhân của nạn nạo phá thai chui, dính bệnh tật và phải chịu đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác.

    Khi được hỏi về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, biện pháp tránh thai, dấu hiệu của ung thư tử cung thì mọi người né tránh, ngại không muốn trả lời mà có trả lời thì hầu như không nắm được thông tin gì về cách phòng ngừa bệnh tật… trong khi cuộc sống của họ đang rất cần đến nó.

    …và nguy cơ gia đình đổ vỡ

    Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia xã hội học nhận định, câu chuyện nữ công nhân ế chồng nếu xét về thực tế cuộc sống thì đây là những vấn đề thực tế đang hiện hữu và dường như chưa có một giải pháp nào khả quan để giải quyết, trong khi hầu hết các khu công nghiệp được mở ra chỉ chú trọng việc khai thác sức lao động, thu lợi về kinh tế.

    Thực tế cho thấy, ngay cả những cặp vợ chồng công nhân may mắn gắn bó được với nhau cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ đổ vỡ. Đồng lương công nhân ít ỏi của 2 vợ chồng trẻ ngót nghét 5 triệu đồng, trong khi tiền học phí của một cháu nhỏ đi học tại trường tư thục ở Hà Nội cũng đã gần 5 triệu.

    Sự vất vả của công việc, cộng với sự “nhàm chán” trong cuộc sống đã tạo nên những hệ quả đáng buồn. Không ít cặp vợ chồng trẻ đã phải nói lời chia tay vì một cái lý do như hết sức “lãng xẹt” là ít được gặp nhau, dù họ cùng làm cùng một khu công nghiệp. Chồng ca tối, vợ ca đêm và việc gặp gỡ nhau chỉ gói gọn trong bữa cơm chiều. Con cái nheo nhóc, lương ba cọc, ba đồng, môi trường sống và làm việc có đến hơn 70\% là nữ giới thì nếu không có một bản lĩnh vững vàng hay một quyết định tỉnh táo, sự tôn trọng nhau từ hai phía, thì việc rạn nứt trong tình cảm chỉ là việc sớm muộn.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phan-doi-buon-cua-nhung-nu-cong-nhan-mang-tieng-e-a55556.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bi kịch mang tên “sống thử” ở khu công nghiệp

    Bi kịch mang tên “sống thử” ở khu công nghiệp

    (ĐSPL) - Những nữ công nhân sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, dễ bị cuốn vào các cuộc tình chớp nhoáng, nhiều người trở thành nạn nhân của nạn nạo phá thai chui, bị bạo lực cả tinh thần lẫn thể xác.