Vượt lên những trở ngại và từng nếm qua không ít những thất bại, giờ đây nói về lan, với thầy giáo Phạm Thăng Bằng (chủ vườn lan Bang Upes) là một con đường vinh quang nhưng không trải hoa hồng.
Những năm gần đây, thị trường hoa lan đột biến ở Việt Nam tăng rất cao, nhiều người tìm tới “mảnh đất” này với khát vọng làm giàu nhưng những người thất bại cũng không ít. Không chỉ lan đột biến mà các dòng hoa lan khác, đòi hỏi sự công phu, và vô vàn những yếu tố thử thách khác để thành công.
Anh Phạm Thăng Bằng – chủ vườn lan Bang Upes chia sẻ, anh đến với việc chơi lan và trồng lan bắt nguồn như nhiều người khác: niềm đam mê thật sự. Anh yêu hoa lan như yêu chính hơi thở của mình mới có thể sống cùng nó, canh cánh bên lòng làm sao tạo ra được những chậu cây độc đáo, chinh phục nhu cầu khắt khe nhưng rộng lớn của khách hàng.
“Trước khi đến với lan, tôi từng trải qua rất nhiều những công việc khác để xoay sở, cuối cùng được trở về với cái mình thích nhất. Nhưng ngoài tình yêu ấy thì chưa đủ, cần phải có kinh nghiệm, trải nghiệm, bản lĩnh của một người dám đương đầu với cái mình đã lựa chọn, cho dù nhiều khi tưởng như bỏ cuộc”, anh Phạm Thăng Bằng chia sẻ.
Giờ đây, lên phố núi, nói về lan, nhiều người đều biết tới anh Phạm Thăng Bằng - chủ vườn lan Bang Upes hẻm 50, đường Lê Đại Hành, TP. Pleiku. Nơi đây được xem là một điểm đến thú vị để du khách có thể hiểu thêm về vẻ đẹp của rừng núi qua đôi tay tài hoa của người dám làm, dám sống với những cá thể mà ai nhìn qua cũng yêu mến: hoa lan.
Vườn lan Bang Upes của anh Phạm Thăng Bằng với quy mô rất lớn, 10 ngàn mét vuông và sở hữu hơn trăm loài hoa lan. Khi hỏi người con phố núi vốn rất bận rộn này, làm sao để hiểu được từng loại lan trong khu vườn rộng lớn của anh? Anh rất tâm đắc cho biết: “Mỗi một loài có một đặc điểm và tính cách riêng, cũng như con người chúng ta vậy. Làm sao để đắc nhân tâm, mới có thể chinh phục và tôn vinh lên vẻ đẹp của chúng”.
Nói ví dụ là vậy, nhưng để có được ngày hôm nay, đặt chân vào mảnh đất thiên đường hoa lan tại Pleiku này, được chứng kiến, thưởng thức vẻ lộng lẫy, tinh tế trong từng cánh hoa lan, thì ở đó, đương nhiên là mồ hôi cũng như công sức của người chủ Phạm Thăng Bằng.
Ông chủ vườn lan Bang Upes cho biết thêm: “Nói gì thì nói, nếu như kinh doanh về hoa lan, mà bạn không mang tới cho thị trường được sự khác biệt, vượt lên vẻ đẹp thông thường là cái lạ, độc, khiến người xem muốn chinh phục, sở hữu ngay thì coi như bạn thất bại”.
Anh Phạm Thăng Bằng cũng chia sẻ thêm, nếu như không biết cách chăm sóc thì cũng sẽ không đạt được những sản phẩm ưng ý. Phải làm sao có thể khiến khách hàng khi bỏ tiền ra, không cảm thấy hối tiếc mà cảm thấy xứng đáng với cái mình đã lựa chọn. Đó cũng là mục tiêu của vườn lan Bang Upes khi đưa ra thị trường những mẫu lan, giò lan sang trọng, đẳng cấp nhất.
Tại Việt Nam, hầu như vùng đất nào cũng có thể chơi lan, và mỗi ngày đều có rải rác ở các nơi những người mê chơi lan. Họ thành lập các câu lạc bộ, các hội nhóm để chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu tác phẩm trồng chăm lan với nhau. Anh Phạm Thăng Bằng nói thêm về loài lan giã hạc Tây Nguyên của mình, trở nên riêng biệt và nổi bật khi mùi hương và màu sắc kiêu kì, lộng lẫy, chinh phục cả những con mắt xanh khó tính nhất.
Vốn đam mê hoa lan từ thời còn học cấp ba trên ghế nhà trường, năm 2010, Phạm Thăng Bằng đã vay mượn hàng trăm triệu để đầu tư cho sở thích của mình. Anh mở vườn lan Bang Upes rồi nghiên cứu tài liệu về hoa lan để có thêm kinh nghiệm. Quãng thời gian đó, anh cũng trau dồi và thu nạp cho mình khá nhiều kiến thức cần có.
Cơ ngơi của Phạm Thăng Bằng hiện nay với hơn hai mươi ngàn cá thể lan, có hơn chục loài lan quý với giá trị không hề nhỏ. Anh luôn sẵn lòng truyền đạt đam mê cho giới trẻ, nhất là những người giống anh - đam mê trồng lan.