+Aa-
    Zalo

    Phạm Hương: Vụt sáng và đáng ghét

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có phải Phạm Hương đang dạy học trò rằng, để cao hơn đối thủ thì phải "chặt chân" họ để họ thấp hơn mình...

    Có phải Phạm Hương đang dạy học trò rằng, để cao hơn đối thủ thì phải "chặt chân" họ để họ thấp hơn mình...

    Huấn luyện viên lép vế nhất

    Huấn luyện viên đội này loại thí sinh của đội khác trong quyền hạn, điều đó thật bình thường. Tuy nhiên, huấn luyện (HLV) viên đó có xứng đáng là huấn luyện viên hay không, lại là một trường hợp khác.

    Và đó, rất tiếc cho Phạm Hương, lại là nhân tố đáng bàn nhất, trong vai trò mới của cô.

    Huấn luyện viên Phạm Hương.

    Qua mấy tập của The Face, Phạm Hương ngày càng thể hiện hình ảnh một HLV yếu về chuyên môn nhưng lại mạnh về cảm tính.

    Nhìn những gì đội của cô thể hiện, trong các phần thử thách của cuộc chơi này, có thể thấy rất rõ. Một đội với những thí sinh nhạt nhoà, lớ ngớ, diễn kém cả mặt kỹ năng lẫn biểu cảm.

    Việc họ về nhất, lát ta sẽ bàn, nhưng thực tế, thí sinh ấy cũng phản ánh trình độ đang có của HLV.

    Tôi không hiểu The Face của Việt Nam chọn HLV theo những tiêu chí nào, bởi làm "thầy" của những thí sinh sẽ làm gương mặt đại diện cho những thương hiệu trong tương lai hoàn toàn không đơn giản.

    Tôi được biết, các thương hiệu khi chọn gương mặt đại diện, ngoài tài năng, sức ảnh hưởng của gương mặt đó, thì chắc chắn đó không phải là gương mặt của scandal.

    Vậy chắc chắn rằng, thầy của những gương mặt như thế, sự đòi hỏi chắc chắn phải cao hơn thế nữa. Nếu bạn xem The Face Mỹ, thì các HLV của họ phải là đâu ra đấy. Họ thực sự là những người có sức mạnh.

    Quy chiếu sang Phạm Hương, câu chuyện có chút gì đó hơi khiên cưỡng. Thuở đi thi Top Model, em chỉ nằm trong top 10. Không, và không thể lọt vào sâu hơn để trở thành một gương mặt đáng nhớ của cuộc thi, cũng như đáng tiếc khi ra về.

    Tôi còn nhớ, trong tập thử thách thảm đỏ, Hương còn trả lời "thi hoa hậu là một nghề". Thất vọng, dĩ nhiên là thế đối với tôi lúc đó, cho câu trả lời đó. Nhưng rồi, sau này, hình như Hương đã chứng minh được, đúng, thi hoa hậu là một nghề thật!

    Bởi từ top model, trên sàn diễn thời trang của Việt Nam, Phạm Hương vẫn là một cái tên nhạt nhoà như không thể nhạt nhoà hơn. Chẳng ai biết cô diễn những gì, phong cách ra sao, và ở đâu trong làng mẫu đấy.

    Đùng một cái, Hương đội vương miện. Tôi thực sự ngỡ ngàng vì nhan sắc của Hương khi đội vương miện. Hương lộng lẫy, thon gọn, nụ cười toả sáng, rất ra dáng một hoa hậu, khác hẳn cô người mẫu đậm người, mặt tròn trên thảm đỏ ngày trước.

    Ừ, thêm một cô hoa hậu ở cái xứ đi đâu cũng gặp hoa hậu, thì cũng thường thôi. Tuy nhiên có thể thấy, Hương là một trong những hoa hậu được truyền thông săn đón và có rất nhiều fan, trong đó có không ít fan cuồng.

    Nhưng, hoa hậu là hoa hậu, cái danh hiệu chẳng có chút gì … chuyên môn gì cả. Đó cũng là lý do mà nhiều hãng thời trang lớn không bao giờ đánh giá cao hoa hậu. Họ cũng chẳng mặn mà khi mời các cô hoa hậu đến các sự kiện của họ.

    Thế nên, "chỉ được cái đẹp" và… chấm hết, đó là những gì đáng nói về Phạm Hương lúc này. Hương hoàn toàn lép vế so với Lan Khuê về kinh nghiệm trong làng thời trang, và hoàn toàn nhỏ bé trước những trải nghiệm với thương hiệu đối với Hồ Ngọc Hà.

    Với kinh nghiệm ấy, và với khả năng ấy, thì cũng chẳng khó hiểu khi thí sinh của team Phạm Hương trình diễn như múa rối trên truyền hình như thế.

    Phạm Hương khiến dư luận dậy sóng khi loại bỏ thí sinh mạnh.

    Ngôn ngữ nhạt nhẽo, bản lĩnh không cao

    Thôi thì đội Hương thắng, Hương không có lỗi, lỗi là ở ban tổ chức chương trình mời những khách mời… không giống ai.

    Cô diễn viên Quỳnh Anh, cô ca sĩ Hương Tràm, nghe các cô nói khi xem thời trang và xem các cô bình chọn thì biết. Nhưng đó không phải là điều bất ngờ.

    Bất ngờ nhất là những nhà thiết kế có tên tuổi, dù biết thừa đội Phạm Hương diễn yếu mà vẫn bình chọn, thì mới biết là những người có chuyên môn ở Việt Nam làm việc cảm tính đến mức nào.

    Nếu khách mời không có đủ chuyên môn, hoặc có chuyên môn mà làm việc không chuyên nghiệp, thì xin đừng mời họ đến cuộc chơi này để chọc tức khán giả. Hãy để nhà thiết kế tự quyết định ai là đội xứng đáng vì họ biết đội nào diễn đồ của họ ổn nhất.

    Cảm giác như, khán giả xem truyền hình đang bị biến thành trò đùa của những ông bà khách mời này. Để rồi, cũng chính khán giả chứ không ai khác, phải chịu đựng những màn diễn không mấy dễ xem của Phạm Hương.

    Và, trong suốt mấy tập, ngôn ngữ - thứ được đẻ ra từ trí tuệ - của Phạm Hương cũng chỉ nhiêu đó. "Đội Hương chiến thắng là xứng đáng"; "Các em hôm nay làm trên sức tuyệt vời"… một vài câu chị nói đi nói lại, nghe đến phát ngán.

    Đấy chưa nói có vài tình huống ứng xử không được đẹp. Thuyết phục Hà Hồ chọn thí sinh mình; "dằn mặt" Hà Hồ rằng "Chị nợ em 3 lần". Thì sao? Lần khác Hà phải chọn thí sinh của Hương để trả nợ?

    Có thể Hương đang cố diễn cho tròn vai ác. Nhưng đóng vai ác đâu có dễ, phải có đủ chuyên môn và đẳng cấp.

    Hương vụt sáng dễ. Nhưng đáng ghét cũng rất dễ, chỉ sau vài đêm.

    Nếu Hương hiểu về thương hiệu, thì chắc chắn một điều, Hương phải tạo ra những học trò có sức mạnh thực sự, để thành những gương mặt có sức mạnh để đại diện cho một thương hiệu nào đó.

    Sức mạnh đó đến từ nội lực của thí sinh, và sự truyền dạy của HLV. Sức mạnh đó, phần lớn cũng đến từ bản lĩnh của thí sinh.

    Nhưng, những gì Hương đang làm, cho khán giả thấy học trò của Phạm Hương sẽ là những người cơ hội và ăn sẵn từ việc HLV mình đi "chặt chân" những đối thủ mạnh hơn từ các đội khác.

    Một quy luật của những người bản lĩnh, khi thấy kẻ khác cao hơn mình, là tập luyện, học hỏi để mình cao bằng hoặc hơn kẻ đó. Chứ không phải chặt chân người ta để họ thấp hơn mình.

    Một HLV bản lĩnh chính là giữ các đối thủ mạnh lại để các thành viên trong đội mình phải cố gắng và nếu chiến thắng, đó sẽ là chiến thắng một cách thuyết phục. Và nếu thua, cũng thua trong một tâm thế ngẩng cao đầu.

    Rất tiếc, Phạm Hương không làm được việc này. "Chị phải đảm bảo an toàn cho đội chị, nên chị phải loại em", là đủ hiểu, Phạm Hương không có đủ sức mạnh và sự tự tin cần có của một huấn luyện viên trong cuộc chơi này.

    Mà không đủ thì tốt nhất rời chỗ để nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn. Vì suy cho cùng, khán giả là người quyết định để nuôi sống chương trình ấy, nên phải tôn trọng họ!

    Hoàng Nguyên Vũ

    Nguồn: Trí Thức Trẻ

    Xem thêm video Giải trí:

    [mecloud]nTt3gHXHAZ[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pham-huong-vut-sang-va-dang-ghet-a141018.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan