Giống như Dương Văn Khánh tại Hà Nội, Nguyễn Ngọc Minh (Minh Sâm) ở Bắc Ninh, vợ chồng Đường “Nhuệ” cũng lấy bình phong làm từ thiện để che đi hành vi phạm tội. Ở đất Thái Bình, nghe danh vợ chồng Đường - Dương nhiều người sợ xanh mật bởi hoạt động cho vay nặng lãi, bảo kê, mua bán bất động sản kiểu “lấy thịt đè người”. Với những sai phạm trong thời gian dài nhiều người tự hỏi, liệu có hay không thế lực “chống lưng” cho những đại ca giang hồ này?
Bất ngờ khép lại sai phạm?
Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam cặp vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (49 tuổi) và Nguyễn Thị Dương (40 tuổi) - thường được gọi là vợ chồng đại gia Đường “Nhuệ” - để điều tra về tội Cố ý gây thương tích đã làm nhiều người dân thấy nhẹ lòng, nhất là những ai bị cặp vợ chồng này ra oai, làm khó. Không chỉ đơn giản là vụ án Cố ý gây thương tích mà vết dầu loang của vợ chồng Đường - Dương được lật lại, hay cùng diễn biến mới được phanh phui khiến dư luận bất ngờ. Bất ngờ bởi quy mô tội phạm không chỉ là hành động đơn lẻ của 1-2 cá nhân mà đã thành một dạng hoạt động kiểu băng nhóm xã hội đen “bảo kê” nhiều lĩnh vực tại địa phương.
Được biết, hai vợ chồng Đường - Dương đã từng có thời gian sinh sống tại nước ngoài, tuy nhiên cả hai đã về nước khoảng 10 năm trước. Khi đến với nhau, đôi bên đều đã có gia đình và con cái riêng. Theo thời gian, nhiều người dân và hộ kinh doanh ở Thái Bình dần khiếp đảm trước cái tên "Đường Nhuệ". Lý do là bởi dưới trướng vợ chồng "đại ca" này có sự phục vụ của những thanh niên mới lớn sẵn sàng liều mình, thậm chí là cả những đàn em có “máu mặt”.
Những sai phạm của vợ chồng “đại gia” này lộ sáng, nhiều người dân là nạn nhân đều hy vọng cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ những vụ việc người dân từng tố cáo nhưng không có kết quả. Trong số những nạn nhân của “Đường Nhuệ” là công ty L.Q tại TP. Thái Bình. Năm 2019, vợ chồng giám đốc công ty này có vay của người ngoài một số tiền nhưng vì trục trặc trong giấy tờ lúc vay, lúc trả nên xảy ra mâu thuẫn. Bên cho vay sau đó đã nhờ Đường Nhuệ đòi nợ giúp.
Sau đó có người đến đòi nợ, qua nhiều cuộc điện thoại được ghi âm lại, người được cho là Đường Nhuệ đe dọa ông N.V.L (Giám đốc công ty) nếu ông này không chấp nhận sang nhượng công ty lại cho Nguyễn Xuân Đường. Dù đã báo cơ quan chức năng, nhưng vụ việc ông L. hứng chịu đã rơi vào vô vọng. Thậm chí, sau đó chính vợ chồng ông L. và bà P.T.Q bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản!
Công an khám xét nơi ở, đồng thời là trụ sở công ty của vợ chồng Đường - Dương. Ảnh: Dân trí |
Trước đó, năm 2014, một nạn nhân khác của đại gia Đường “Nhuệ” là bà N.T.L cũng từng mang đơn đi nhiều nơi để tố cáo đối tượng này nhận đòi nợ thuê và đánh người gây thương tích 15% ngay tại phòng tiếp dân, trụ sở công an phường trên địa bàn TP. Thái Bình. Công an TP. Thái Bình khi đó đã ra quyết định khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, sau một thời gian, cơ quan này lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án với lý do chưa xác định được bị can trong vụ án trên và hết thời hạn điều tra.
Trao đổi với Tiền Phong, bà L. chia sẻ: “Suốt bao năm qua tôi đi kiện, các cấp chính quyền cũng yêu cầu giải quyết việc của tôi nhưng Công an TP. Thái Bình không trả lời tôi. Từ hôm nghe tin vợ chồng Đường bị bắt, tôi rất vui và đang đề nghị Công an tỉnh Thái Bình giúp giải quyết việc của mình, tôi không tin cấp thành phố nữa”.
Trách nhiệm người đứng đầu
Trước hàng loạt sai phạm của cặp vợ chồng Đường- Dương đã tạo thành ung nhọt trong đời sống xã hội của người dân Thái Bình phải có tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm. Trao đổi với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) nói: “Vụ việc xảy ra ở Thái Bình mấy hôm nay các phương tiện truyền thông đã đưa tin, rõ ràng có một thời gian khá dài tội ác của vợ chồng này đã diễn ra nhưng không bị phát hiện và xử lý”.
Ở vụ án vợ chồng Dương- Đường, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, có hai vấn đề cần phải giải quyết: “Một là phải xử lý hành vi phạm tội cặp vợ chồng Đường – Dương vừa mới bị khởi tố do có hành vi đánh đập, gây thương tích cho tài xế xe khách vì giao hàng muộn. Sau đó lần lại các vụ vi phạm pháp luật trước đó, mà vợ chồng này gây ra. Thứ hai, phải xác định trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc xử lý, thụ lý tin tố giác tội phạm, đơn thư tố cáo liên quan đến tội phạm trước đó của vợ chồng này, xử lý cho thật nghiêm minh, có hay không hành vi bảo kê, che giấu tội phạm. Càng liên quan đến cơ quan bảo vệ pháp luật, tức là những cơ quan có chức năng bảo vệ pháp luật, bảo vệ sự an toàn cho người dân, an toàn cho xã hội mà vi phạm thì càng phải bị xử lý thật nghiêm khắc”.
“Kẻ nào có chức có quyền mà dùng quyền lực của mình để che chắn, bảo kê cho vợ chồng tội phạm này thì phải xử lý nghiêm khắc, răn đe cho xã hội”, Đại biểu nhấn mạnh.
Nói về trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương còn xảy ra tội phạm dạng băng nhóm xã hội đen, trao đổi với PV Đời sống& Pháp luật ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) khẳng định: “Tôi cho rằng hiện nay quy định về trách nhiệm của người đứng đầu ở trên các địa bàn đã rõ ràng. Vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh thì Giám đốc công an tỉnh phải là người chịu trách nhiệm. Nếu để xảy ra tình trạng tội phạm lộng hành phát triển nhiều, rõ ràng người đứng đầu là Giám đốc công an tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trước nhân dân. Tương tự, cấp huyện, cấp xã cũng phải phân cấp cũng như ràng buộc rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Ở phạm vi địa bàn của anh quản lý nếu anh để tội phạm lộng hành, phát triển, gây mất ổn định về an ninh trật tự, gây bất an trong quần chúng nhân dân, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, ông Xuyền nhấn mạnh.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) trả lời ĐS&PL cho rằng: “Để tình trạng tội phạm sách nhiễu, hoạt động kiểu xã hội đen mà không bị xử lý kịp thời cũng phải kể tới trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật. Việc có hay không sự bảo kê của người thực thi pháp luật thì cần phải có sự điều tra làm rõ của cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Đối với việc truy trách nhiệm cá nhân, nói như ĐBQH Bùi Văn Xuyền, trách nhiệm người đứng đầu trong vụ để vợ chồng “đại gia” Dương- Đường lộng hành phải là Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình. Với những vụ việc kéo dài trong nhiều năm cũng cần xem xét rõ nhiệm kỳ của các đời Giám đốc công an tỉnh.
Hiện tại, Thượng tá Nguyễn Thanh Trường được Bộ trưởng Công an điều động và bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình vào tháng 11/2019. Phát biểu nhậm chức, Thượng tá Nguyễn Thanh Trường cảm ơn sự tin tưởng, ghi nhận của Đảng ủy Công an TƯ, lãnh đạo bộ Công an; của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình. Ông hứa sẽ bám sát sự chỉ đạo cùng tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác Công an; kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, nắm chắc tình hình, triển khai nhiệm vụ công tác có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Như vậy với những sai phạm của vợ chồng Đường Nhuệ trong thời gian dài trước đó cũng cần truy trách nhiệm tới người tiền nhiệm của Thượng tá Nguyễn Thanh Trường?
Phó Thủ tướng chỉ đạo mở rộng điều tra dấu hiệu phạm tội của Đường “Nhuệ” Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) yêu cầu làm rõ những vi phạm pháp luật của đối tượng Đường “Nhuệ”- tức Nguyễn Xuân Đường. Thông báo cho biết, các cơ quan báo chí phản ánh đối tượng Đường “Nhuệ” - tức Nguyễn Xuân Đường, trú tại thành phố Thái Bình cùng đồng phạm có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật trong thời gian qua, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nêu rõ đây là vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm và hoan nghênh Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng để điều tra đối với hành vi cố ý gây thương tích của Nguyễn Xuân Đường và đồng phạm. Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội Cố ý gây thương tích của các đối tượng. Đồng thời cần mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của nhóm đối tượng này, đã được các cơ quan báo chí thông tin trong những ngày qua, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Kết quả điều tra bước đầu phải được báo cáo lên Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ trước ngày 30/4/2020 để tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính. |