+Aa-
    Zalo

    Phải xác định cái gì cần thiết và cấp bách cho Tân Sơn Nhất

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo TS.Bùi Văn Võ, trong điều kiện hiện tại, nên chọn giải pháp mở rộng cơ sở hạ tầng sân bay về phía Nam.

    Theo TS.Bùi Văn Võ, trong điều kiện hiện tại, nên chọn giải pháp mở rộng cơ sở hạ tầng sân bay về phía Nam.

    Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ đóng vai trò giải tỏa ách tắc đến khi xây xong sân bay Long Thành

    Xung quanh việc “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất, trao đổi với Báo Giao thông, TS. Bùi Văn Võ, nguyên Trưởng phòng Quản lý hoạt động bay (Cục Hàng không VN) khẳng định, phải xác định Tân Sơn Nhất đang cần gì nhất và thế nào là hợp lý nhất.

    Sân bay Tân Sơn Nhất đang ách tắc - ai cũng biết. Chính phủ, Bộ GTVT đang tích cực tìm giải pháp nhanh chóng giải toả tắc nghẽn tại sân bay này. Muốn có “thuốc hay” thì phải xác định đúng “bệnh”. Vậy, theo ông đâu là vấn đề mấu chốt của tình trạng tắc nghẽn tại sân bay đông đúc nhất cả nước này?

    Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc trên không và dưới đất tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt nằm ở đường lăn độc đạo để tàu bay lăn ra/lăn vào khu vực sân đỗ hiện hữu, thiếu chỗ đỗ tàu bay, 2 nhà ga quá tải, giao thông tiếp cận không đáp ứng, đặc biệt trong giờ cao điểm.

    Nhiều ý kiến đang hướng đến việc mở rộng sân bay về phía Bắc, xây đường cất/hạ cánh (CHC) thứ 3 ở đây, theo ông có được không?

    Tôi cho rằng, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc hoàn toàn có thể làm được. Cụ thể, về kỹ thuật ta có thể xây dựng hệ thống khu bay hoàn chỉnh tại khu đất phía Bắc, bao gồm đường CHC số 3, hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay nhằm nâng cao năng lực khai thác của sân bay tại mặt đất và trên không.

    Nếu làm được, tại sao không chọn phương án xây dựng thêm đường CHC số 3 ở phía Bắc?

    Có rất nhiều giải pháp có thể lựa chọn để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu chọn phương án xây dựng đường CHC số 3, chắc chắn sẽ giúp tăng năng lực sân bay.

    Nếu chúng ta không phải lo về tiền, đủ khả năng giải phóng diện tích mặt bằng liên quan đến 140.000 hộ dân một cách nhanh chóng, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời có tiền để làm hạ tầng giao thông kết nối ở khu phía Bắc thì không có gì phải nghĩ, cứ thế làm đường băng ở khu phía Bắc thôi. Tất nhiên, đó là ta chưa tính đến yếu tố ô nhiễm tiếng ồn, yếu tố môi trường theo tiêu chuẩn về phát triển bền vững của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO),

    Còn nếu phải chọn, thì phải căn cứ vào các mục tiêu và tiêu chí đề ra. Tôi được biết, các tiêu chí đó là công suất tăng dự kiến, hiệu quả khai thác, chi phí, thời gian xây dựng, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội …

    Cá nhân tôi cho rằng trong điều kiện hiện tại, dựa trên các tiêu chí trên, nên chọn giải pháp mở rộng cơ sở hạ tầng sân bay về phía Nam, tập trung làm đường lăn, bổ sung sân đỗ, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ mới đối với quản lý điều hành bay để nâng cao năng lực sân bay.

    Hiện nay, Nhà nước đang triển khai dự án xây dựng sân bay Long Thành. Đây là dự án hết sức cần thiết và cấp bách. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ đóng vai trò nhanh chóng giải tỏa ách tắc cho đến giai đoạn sân bay Long Thành đưa vào khai thác (dự kiến vào năm 2025).

    Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ đóng vai trò nhanh chóng giải tỏa ách tắc cho đến giai đoạn sân bay Long Thành đưa vào khai thác - Ảnh: Bạch Dương

    Theo ông, các giải pháp cấp bách có thể triển khai ngay cho Tân Sơn Nhất hiện nay là gì?

    Tôi cho rằng, nếu không xây đường CHC số 3, Tân Sơn Nhất vẫn có thể nâng công suất tối đa đến khoảng 45-47 triệu hành khách/năm, tương đương khoảng 310-320 nghìn chuyến bay/năm bằng cách điều chỉnh, mở rộng khu bay hiện hữu về phía Nam, áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ mới trong quản lý điều hành bay, nâng cao năng lực giám sát, điều hành bay của kiểm soát viên không lưu. Tất nhiên, quan trọng là phải cải thiện hệ thống đường lăn hiện nay, bổ sung sân đỗ, xây thêm nhà ga hành khách cùng với cải thiện hệ thống kết nối giao thông tiếp cận.

    Trong trường hợp không xây dựng đường CHC số 3, việc khai thác sân golf có ảnh hưởng đến an toàn của sân bay?

    Từ trước đến nay, việc khai thác tại Tân Sơn Nhất vẫn luôn đảm bảo an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn của ICAO. Sân golf Tân Sơn Nhất không vi phạm tĩnh không, thực tế hoạt động không uy hiếp an toàn bay. Tuy nhiên, ngay cả khi không xác định xây đường CHC số 3 tại vị trí sân golf hiện nay, thì chủ trương di dời sân golf để phục vụ các hoạt động hành không khác cũng rất cần thiết. Mọi quyết định là ở Nhà nước, Chính phủ. Còn về an toàn bay, tôi khẳng định lại, hiện tại không có ảnh hưởng gì đến an toàn.

    Cảm ơn ông!

    TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội khoa học Công nghệ Hàng không VN:

    Mở rộng Tân Sơn Nhất phải hài hòa với sự phát triển của TP.HCM

    Việc thuê tư vấn nước ngoài vào nghiên cứu phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vào thời điểm này là hợp lý. Hiện tại, vẫn còn có nhiều ý kiến trái ngược thì cần có bên thứ 3 từ nước ngoài vào là cần thiết. Tư vấn nước ngoài sẽ trả lời cho câu hỏi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào là hợp lý.

    Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thì cần mời tổ chức tư vấn nước ngoài độc lập, có uy tín và không bị ràng buộc bởi nguồn vốn vay. Mặt khác, cần phải có tổ chức tư vấn độc lập Việt Nam (ngoài đơn vị đã lập quy hoạch) tham gia vào quá trình này để đảm bảo tính chủ động, thực tiễn, hiệu quả và tăng thêm tính khách quan trong quá trình thực hiện.

    Trong khi CHK quốc tế Long Thành chưa xây dựng xong, chúng ta vẫn phải mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đảm bảo nhu cầu đi lại bằng hàng không. Theo tôi, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải đồng bộ với hệ thống cảng hàng không, sân bay Việt Nam, hài hòa với sự phát triển của TP HCM và phù hợp với tiến độ dự án xây dựng, khai thác CHK quốc tế Long Thành.

    Nếu như CHK Long Thành bắt đầu khai thác với công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm vào năm 2025 (với một đường CHC và đường lăn, sân đỗ, nhà ga cùng các công trình đồng bộ khác) thì qui mô của Tân Sơn Nhất cần có công suất khoảng 40 triệu hành khách/năm.

    Riêng, với việc giải quyết tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi cho rằng, cần thiết phải giải quyết đồng bộ hàng loạt vấn đề liên quan. Trước mắt cần làm rõ hiện trạng và tương lai quy hoạch TP HCM, đặc biệt là khu vực lân cận sân bay; Mức độ và nguyên nhân tắc nghẽn tại các khu vực: Trên không, khu bay, khu nhà ga hành khách, đường tiếp cận vào sân bay và các nội dung liên quan khác...

    Trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan, khoa học các nội dung trên để sắp xếp thứ tự ưu tiên nhằm giải quyết từng hạng mục một cách đồng bộ, kinh tế.

    T.Bình (Ghi)

    Thanh Bình (Thực hiện)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phai-xac-dinh-cai-gi-can-thiet-va-cap-bach-cho-tan-son-nhat-a193374.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan