+Aa-
    Zalo

    Phải quyết liệt chống tham nhũng ở các dự án xóa đói giảm nghèo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Một số chuyên gia cho rằng phải quyết liệt chống tham nhũng, dù ăn chặn một con gà cũng phải xử lý nghiêm.

    (ĐSPL) - Trước thực trạng quan xã tham nhũng, ăn chặn của người dân trong các chính sách, dự án xóa đói  giảm nghèo ở nhiều địa phương, một số chuyên gia cho rằng, đây chính là một trong những dạng sai phạm tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao. Vì thế, phải quyết liệt chống tham nhũng ở các dự án này. Dù ăn chặn một con gà cũng phải xử lý nghiêm.
    Cuối 2014, viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) phối hợp với Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam thực hiện khảo sát tại 4 tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Trà Vinh, nơi thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ailen.
    Kết quả 73,3\% ý kiến người dân cho rằng, có tiêu cực trong triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo. Có 74,7\% số người được hỏi cho rằng, thông qua hoạt động giám sát cộng đồng với các dự án xóa đói, giảm nghèo có phát hiện ra sai phạm. Mà phổ biến nhất là dự án đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản thuộc dự án.

    Ông Vũ Quốc Hùng.

    Từ kết quả khảo sát trên, cũng như chuyện dê đi lạc, gà vào nhầm chuồng hay tiền đi lạc từ các dự án xóa đói giảm nghèo, ông Lê Văn Cuông - nguyên ĐBQH khóa XII cho rằng: “Việc quan xã ăn chặn tiền, gà... của dân nghèo chính là một trong những dạng sai phạm tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao. Vì thế, chúng ta cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa các chính sách, dự án xóa đói giám nghèo, trong đó giám sát từ cộng đồng rất quan trọng”.
    Cũng theo ông Cuông, cần bổ sung quyền hạn cho chủ thể giám sát đầu tư của cộng đồng, bổ sung cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin của chủ thể giám sát để có đủ căn cứ, cơ sở cho việc giám sát đạt hiệu quả; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
    Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, nếu chúng ta không xử lý nghiêm thì sẽ còn nhiều vụ việc tương tự xảy ra. “Từ những sự việc vừa xảy ra, theo quan điểm của tôi, cần phải kiểm tra, điều tra làm rõ.
    Video: Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ 1250 con gà đi lạc.

    Nếu là chiếm đoạt của dân thì không chỉ đơn thuần là xử lý khiển trách trong Đảng mà là hành vi vi phạm pháp luật. Bất luận vì lý do gì, đồ cho dân nghèo mà giữ lại trong nhà mình là hành vi khuất tất, phải xem xét. Vài con dê, con gà cũng là tham nhũng. Dù là tham nhũng vặt cũng phải xử lý nghiêm”, ông Hùng nhấn mạnh.
    Đồng tình quan điểm trên, ông Cuông cho rằng: “Bất cứ hành vi tham nhũng nào cũng cần phải xử lý nghiêm minh, triệt để. Hiện quy định, chế tài đều khá chặt chẽ, luật Phòng chống tham nhũng đưa ra 19 điều Đảng viên không được làm, các quy định xử lý đều có quy định cụ thể. Với mỗi vụ việc tùy động cơ, hậu quả đều có chế tài xử lý. Vấn đề là khi xử lý phải loại bỏ được tâm lý nể nang, trù dập...”.
    Quay trở lại những vụ việc quan xã ăn chặn của dân nghèo, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Vũ Quốc Hùng- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: "Những chính sách của Nhà nước bản thân nó rất tốt, nhưng lại không đi đến được tận tay người dân chỉ bởi đâu đó có những cán bộ không tận tụy, tham lam. Những chính sách đó là nhằm giúp cho người nghèo cải thiện cuộc sống, mà những cán bộ không thiếu thốn gì lại ăn chặn của dân thì đúng thật là đáng xấu hổ.
    Ăn chặn thông thường đã đáng lên án, nhưng "ăn chặn" của người nghèo là sự sỉ nhục, suy thoái đạo đức của cán bộ. Trong khi đó, công tác quản lý còn quá kém, không có chế tài kiểm soát, xử lý triệt để. Vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở còn nể nang, giơ cao đánh khẽ”.
    Sự tha hóa quyền lực hay “phép vua thua lệ làng”?
    Trước những bức xúc của người dân về nạn ăn chặn của không ít cán bộ địa phương cũng như câu hỏi vì sao thực trạng này ngày càng phổ biến, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với nhà Dân tộc học, PGS.TS.Bùi Xuân Đính - viện Dân tộc học Việt Nam để chỉ ra những góc khuất đằng sau sự thật xót xa này.
    Ai xử “tội” lạm quyền?

    PGS.TS.Bùi Xuân Đính - viện Dân tộc học Việt Nam.

    Thưa ông, thời gian gần đây dư luận lên tiếng trước thông tin các quan xã ở một vài địa phương ăn chặn tiền của dân nghèo. Ông nhận định như thế nào về thực trạng này?
    Những điều mà dư luận được chứng kiến thời gian qua chỉ là một phần biểu hiện của cái nạn mà tôi gọi là “cường hào mới”. Nó không đơn thuần chỉ là ăn chặn mà còn là trù dập người dân. Vậy khái niệm cường hào hiểu theo nghĩa hiện nay là gì? Bản chất của cường hào là lộng quyền và lạm quyền, hay là sự tha hóa quyền lực của một bộ phận nhỏ người có chức có quyền ở các địa phương hoặc ở cơ quan nào đó...
    Phải chăng những vụ việc quan xã ăn chặn của dân nghèo chính là biểu hiện tâm lý “phép vua thua lệ làng”, thưa ông?
    Đây không phải là ảnh hưởng tâm lý mà nó là một thực trạng trong xã hội hiện nay. Sự yếu kém trong quản lý, những lỗ hổng cũng như sự chưa nghiêm minh của pháp luật ở một số lĩnh vực đang khiến cho tình hình trở nên xấu đi... Theo quan điểm của tôi, để chống tha hóa quyền lực thì việc cần làm ngay là nâng cao khả năng quản lý cũng như xử lý mỗi khi để xảy ra tình trạng lạm quyền của một số quan xã địa phương.
    Bảo vệ quyền lợi người dân phải kiên quyết sa thải cán bộ biến chất
    Theo ông, vì sao tình trạng quan xã ăn chặn của dân nghèo ngày càng phổ biến?
    Dường như mấy năm trở lại đây, tình trạng tha hóa quyền lực ở cấp xã nặng nề hơn và có vẻ nó còn được tiếp tay, bao che bởi một số lãnh đạo cấp cao hơn (cụ thể ở đây là cấp huyện). Nếu không có sự tiếp tay này, chính quyền cấp xã khó có thể lộng quyền và lạm quyền vì ngày nay lượng thông tin đa dạng hơn, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân cao hơn.
    Vậy theo ông đâu là giải pháp xóa nạn quan xã ăn chặn của dân?
    Thời buổi nào cũng xuất hiện tầng lớp mang tính trội và tầng lớp này sẽ lợi dụng kẽ hở trong quản lý để lộng quyền và lạm quyền... Vì thế, chúng ta cần làm rõ câu hỏi bảo vệ người dân hay bảo vệ cán bộ? Nếu bảo vệ lợi ích của người dân thì phải sa thải cán bộ tha hóa, biến chất. 

     P.THIỆU - N.GIANG - THỤY ANH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phai-quyet-liet-chong-tham-nhung-o-cac-du-an-xoa-doi-giam-ngheo-a87784.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan