(ĐSPL) - "Cần có định nghĩa cụ thể về truyện ngôn tình, đam mỹ và những chuyện yêu đương, những cảnh nóng trong ngôn tình, đam mỹ ở mức độ nào thì được phép xuất bản", nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói.
Sự kiện truyện ngôn tình vừa bị cục Xuất bản rút “giấy thông hành” đã gây một cú sốc lớn cho giới xuất bản và độc giả. Báo ĐSPL đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên quanh vấn đề này.
[mecloud]WBWZo7eFEH[/mecloud]
- Không thể phủ nhận, truyện ngôn tình hiện là thể loại gây “sốt” và “bán chạy” nhất thị trường sách Việt Nam. Ở góc nhìn của một nhà phê bình văn học, ông đánh giá hiện tượng trên thế nào?
- Có cung thì mới có cầu. Truyện ngôn tình “bán chạy” như thế là vì nó khiến độc giả trẻ say mê. Đối tượng độc giả này thường bị tò mò và hấp dẫn bởi những gì lãng mạn, những chủ đề như tình yêu, xúc cảm, giới tính, tình dục... và truyện ngôn tình, đam mỹ phần nào đáp ứng được nhu cầu đó.
Ngay như giải thưởng văn học Goncour của Pháp cũng có hai hạng mục: Tác phẩm dành cho người lớn và tác phẩm dành cho lứa “tuổi hồng”; tức là, họ thừa nhận, mỗi thế hệ độc giả có một thị hiếu khác nhau.
Thế nên, trước tiên, ta cần khẳng định, độc giả trẻ Việt Nam có nhu cầu đọc truyện ngôn tình, đam mỹ, và nhu cầu đó nên được xem là bình thường.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói về truyện ngôn tình |
- Theo đánh giá của cục Xuất bản thì truyện ngôn tình đáng bị “cấm” vì nó thiếu ý nghĩa giáo dục, chưa kể, có quá nhiều chi tiết phản cảm, dung tục, gây hại cho độc giả. Đây đã là cách hiểu đúng về truyện ngôn tình, đam mỹ chưa, thưa ông?
- Cần nói luôn, ở Việt Nam, chưa có một giới thiệu rõ ràng về truyện ngôn tình. Thế nào là ngôn tình, thế nào là đam mỹ. Tôi đồ rằng, hai chữ rất lạ này đều được vay mượn từ Trung Quốc, đất nước sản sinh ra truyện ngôn tình. Theo tôi biết, có ba yếu tố quan trọng cấu thành nên thể loại này. Một, đề tài chính là tình yêu, là chuyện yêu đương. Hai, chuyện yêu đương trong thể loại này gắn với tình dục. Ba, có cảnh ân ái.
Tôi nghĩ thế này, tình yêu, tình dục, ân ái đó là nhu cầu bản năng của con người và là những chủ đề “bình thường” của văn học. Người ta vẫn nói, văn học là thể loại gần gũi nhất là vì nó phản ánh những vấn đề rất... con người.
Giải thích cho việc “cấm” truyện ngôn tình, đam mỹ trong văn bản của cục Xuất bản có nhấn mạnh: Đây là loại sách vô bổ, gây tác hại, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Thực ra cục Xuất bản đánh giá về tác hại của truyện ngôn tình, đam mỹ theo cách nhìn của Cục. Đó không phải là định nghĩa chính xác về truyện ngôn tình, đam mỹ.
|
- Nói vậy, việc rút “giấy thông hành” đã bộc lộ sự... bối rối của cơ quan chức năng trước hiện tượng giới trẻ say mê truyện ngôn tình, đam mỹ?
- Tôi đồ rằng, trước đây, truyện ngôn tình, đam mỹ được “thả nổi”, buông lỏng và dễ dàng thông qua giấy phép xuất bản là vì người ta cho rằng, đây là thể loại vui vẻ, nhẹ nhàng, lãng mạn, không có gì độc hại, không có yếu tố nhạy cảm về chính trị. Đến khi dư luận, báo chí phản ánh, Cục vội vàng ra lệnh “cấm”. Lẽ ra, Cục nên phối hợp với giới xuất bản làm một nghiên cứu, một tọa đàm nào về truyện ngôn tình, đam mỹ, cũng chưa hề có sự tra, đánh giá về thị trường sách, thị hiếu và phản ứng của độc giả trước khi ra văn bản trên.
Đưa ra lệnh cấm thì dễ, nhưng nó cũng chứng tỏ cách quản lý của ta rất có vấn đề. Không quản được là cấm, trong khi quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại rất cần có sự nhạy cảm, tinh tế, nhân văn và khoa học. Riêng với hiện tượng truyện ngôn tình gây “sốt” trong giới trẻ, chúng ta không nên phủ nhận nhu cầu và thị hiếu của bạn đọc. Vấn đề cần làm là anh điều tiết nhu cầu ấy thế nào, định hướng thế nào và quản lý thế nào cho hợp tình hợp lý.
Ngoài ra, cũng cần có định nghĩa cụ thể về truyện ngôn tình, đam mỹ và những chuyện yêu đương, những cảnh nóng trong ngôn tình, đam mỹ ở mức độ nào thì được phép xuất bản. Cục cũng có thể tham khảo kinh nghiệm quản lý của Trung Quốc. Nước bạn có cho xuất bản công khai thì chúng ta mới có truyện để dịch. Chúng ta đã có Nguyễn Nhật Ánh tạo ra được cả một dòng văn Nguyễn Nhật Ánh dành cho tuổi hồng, lẽ nào chúng ta không đáp ứng được những nhu cầu đọc khác của lứa tuổi này?
"Nếu như đây là lệnh “cấm” tạm thời để điều chỉnh lại, và điều chỉnh theo hướng chúng ta vừa tổ chức hội thảo, tọa đàm, nhiên cứu, đánh giá, vừa tiếp tục cho xuất bản thì rất hợp lý, khoa học. Mà nếu cấm hẳn thì không nên", Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói. |
SÔNG THAO(thực hiện)