+Aa-
    Zalo

    Phải coi xe quá tải là ‘giặc’ để cùng nhau dẹp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh phải coi hành vi chở quá tải là “giặc” để quyết tâm dẹp.

    Từ đầu năm đến nay, lượng xe vi phạm chở quá tải, đặc biệt là số xe vi phạm trên 100\% đã giảm khoảng 85\%, tuy nhiên đối với 15\% còn lại, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh phải coi hành vi chở quá tải là “giặc” để quyết tâm dẹp.

    Ảnh minh họa.

    Nhiều nguyên nhân

    Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), hiện nay có tình trạng doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ kiểm tra hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành bằng cách đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở lực lượng thi hành công vụ.

    Nhiều ban QLDA, nhà thầu thi công, doanh nghiệp, nhà máy sản xuất xi măng… mặc dù đã ký cam kết về không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hoá quá tải trọng quy định nhưng vẫn vi phạm cam kết và không phối hợp với các Đoàn kiểm tra.

    Lực lượng trực tiếp tham gia kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe (Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Công an tỉnh) còn phải tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông khác nên chưa thể kiểm soát được các đoạn quốc lộ, đường bộ địa phương có xe quá tải lưu thông.

    Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Thanh Hà nêu thực tế có một số dự án BOT đã lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe ghép với trạm thu phí, tuy nhiên đến nay chưa hệ thống cân nào hoàn thiện. Thậm chí, các trạm cân bị hỏng thường xuyên vì... thời tiết.

    Đồng tình với ông Lê Thanh Hà, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: “Tôi đã đi kiểm tra đột xuất một trạm cân ở Quốc lộ 2 (đoạn qua Phú Thọ), được biết cân hỏng gần 2 tuần mà đơn vị sửa chữa (Công ty TNHH MTV Hanel) vẫn chưa sửa xong. Tôi gọi sang Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đồng chí kiểm tra thì 3 tiếng sau cân đã được mang đến. Liệu có tiêu cực ở đây không?”.

    Ngoài ra, một nguyên nhân cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiểm soát tải trọng xe là do một số địa phương như Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Bắc Ninh chưa quan tâm, triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát tải trọng xe. Đặc biệt còn 3 tỉnh chưa có quyết định thành lập Trạm kiểm soát tải trọng xe là Quảng Bình, Lâm Đồng và Phú Thọ.

    1 xe chở bằng 4 xe

    Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông Đường Bộ - Đường sắt cho biết, năm 2014, toàn quốc đăng ký mới 9.000 xe tải nhưng năm nay con số này đã là 55.000. Điều này chứng tỏ, khi chưa thực hiện kiểm soát tải trọng thì 1 xe tải chở bằng 4 xe, dồn áp lực lên các con đường, gây tiêu cực về giá hàng hoá. Tuy nhiên, khi các bộ, ban ngành, địa phương vào cuộc thì các chủ đầu tư, doanh nghiệp, chủ hàng đã ý thức được việc chở quá tải nên phải mua nhiều xe hơn để chở đúng tải.

    Liên quan đến phản ánh của Tổng cục Đường bộ về việc lực lượng tuần tra kiểm soát còn mỏng, ông Nguyễn Hữu Dánh cho rằng, ở các tuyến cao tốc, việc kiểm soát tải trọng đã thực hiện tốt, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông trực 24/7 ở hai đầu nhưng còn các đường nhánh sang địa phương phải do địa phương quản lý và chịu trách nhiệm.

    Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh phải nỗ lực nhiều hơn để xử lý con số 15\% xe quá tải mà Tổng cục Đường bộ vừa nêu ra.

    “Việc cơi nới lại thùng xe để chở quá tải, xe có bảo kê, xe quá tải đi qua nhiều trạm cân nhiều địa phương… mà không bị xử lý thì người dân đều biết hết, chỉ có lực lượng chức năng không biết thì ta phải xem xét lại. Phải coi hành vi chở quá tải là “giặc” để quyết tâm dẹp. Đã làm đến đây rồi thì phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa và làm đến cùng để nhân dân không nghi ngờ”, Bộ trưởng nói.

    Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu các vụ, cục phải tập trung hoàn thiện thể chế chính sách, quy định phù hợp thực tiễn về tải trọng, mức độ vi phạm, hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định 171, Luật Hàng hải… vì đây là giải pháp lâu dài.

    Tổng cục đường bộ Việt Nam tiếp tục chủ trì lực lượng thường trực trong công tác kiểm tra tải trọng, trong đó cao điểm 2 tháng cuối năm (tháng 11 và tháng 12) triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện trên phạm vi toàn quốc.

    Cục Hàng hải, Cục Đường thủy nội địa và Cục Đường sắt phải tổ chức các đoàn kiểm tra tại các nơi bốc xếp, xếp dỡ hàng hóa, kết hợp cùng với xử phạt là phải xử lý cán bộ để lọt, chưa xử lý cán bộ thì chưa xử lý được triệt để vấn đề này.

    Về vấn đề trạm cân hỏng, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải kiểm tra tất cả các trạm cân và quy định thời gian sửa chữa, tránh trường hợp các bên móc nối với nhau dẫn đến tiêu cực.

    Ngày 23/10, lực lượng làm nhiệm vụ tại Trạm kiểm tra trọng tải xe Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ đoàn xe 10 chiếc chở quá tải khi đang lưu thông trên QL1 đoạn qua huyện Kỳ Anh. Đoàn xe xuất phát ngày 19/10 từ Nhà máy Kính nổi của Công ty CP Kính Chu Lai thuộc KCN Chu Lai, tỉnh Quảng Nam để chở hàng ra Hà Nội.

    Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục CSGT phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương xử lý quy trách nhiệm cá nhân đã để đoàn 10 xe này đi lọt qua 5 tỉnh mà không một trạm cân nào phát hiện.

     Theo báo Điện tử Chính Phủ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phai-coi-xe-qua-tai-la-giac-de-cung-nhau-dep-a117218.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.