Theo Defense One, lầu Năm Góc năm nay quyết định sẽ không tổ chức lễ chia tay ông Donald Trump như truyền thống trong các đời tổng thống trước đây.
Trang tin quốc phòng Mỹ Defense One mới đây đưa tin Lâu Năm Góc sẽ không tổ chức lễ chia tay dành cho ông Donald Trump trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Theo đó, hãng tin này nhận định: "Đây là một điều đáng tiếc nhưng không bất ngờ".
Những ngày cuối cùng của Tổng thống Trump tại nhiệm sở quả thực là một sự hỗn loạn. Một tuần trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu quyết định luận tội ông Trump lần thứ 2 trong nhiệm kỳ sau những cáo buộc về trách nhiệm và sự liên quan của ông với cuộc biểu tình bạo loạn tại toà nhà Quốc hội ngày 6/1 vừa qua.
Lầu Năm Góc sẽ không tổ chức lễ chia tay Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: WSJ |
Ngày 13/1, Nhà Trắng thông báo phó Tổng thống Mike Pence sẽ có bài phát biểu trước các lực lượng quốc phòng về những thành tựu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump trong 4 năm qua. Sau đó, ngày 14/1, 2 quan chức cấp cao bộ Quốc phòng đã xác nhận rằng Lầu Năm Góc không có kế hoạch tổ chức lễ chia tay dành cho Tổng thống Trump.
Được biết, Lễ Chia tay Lực lượng Vũ trang đầu tiên do Chủ tịch Liên quân và Bộ trưởng Quốc phòng tổ chức diễn ra vào năm 1989 dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. Khi ấy, ông Reagan đã biến buổi lễ chia tay trở thành buổi lễ tôn vinh toàn những quân nhân cả nam và nữ trong các lực lượng quân sự. Đồng thời, cựu tổng thống đã cùng những quân đội ăn mừng thành tựu trong suốt nhiệm kỳ của ông.
4 năm sau đó, năm 1993, người kế nhiệm ông Reagan, cựu Tổng thống George H.W. Bush đã được tổ chức lễ chia tay ở một địa điểm nhìn ra nghĩa trang liệt sĩ Arlington tại Fort Myer, Virginia. Tại đây, ông Bush kêu gọi tổng thống tiếp theo đừng nên cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Bill Clinton đã dành bài phát biểu cuối cùng để cảm ơn các lực lượng quân đội vì "giúp đất nước tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng châu Âu hoà bình, không bị chia cắt và dân chủ sau năm 1990".
Ông Trump là Tổng thống đầu tiên sau hơn 30 năm không được tổ chức lễ chia tay với quân đội. Ảnh: ABC |
Tương tự, trong năm 2009, cựu Tổng thống George W. Bush cũng được tổ chức một buổi lễ chia tay bởi Lầu Năm Góc. Tại đây, ông đã nhắc lại chiến dịch gây tranh cãi của mình khi đưa quân tham chiến tại 2 chiến trường Iraq và Afghanistan. Phát biểu trước các lực lượng quân sự, ông Bush cho biết: "Nhờ các bạn, 50 triệu người Afghanistan và Iraq bị giam cầm trong chế độ độc tài đã được giải thoát. Làn sóng tự do mới ở Trung Đông đã đem đến sự chắc chắn và an toàn hơn tại Mỹ".
Truyền thống này được tiếp diễn tới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Năm 2017, trước khi rời nhiệm sở, ông Obama đã nhận được sự hò reo, ủng hộ của các binh lính trong buổi lễ chia tay của mình. Ông dẫn dắt một chính quyền đã cố gắng cắt giảm ngân sách so với thời siêu quân sự hóa của người tiền nhiệm George W. Bush. Dù vậy, ôn vẫn chỉ huy các chiến dịch từ Afghanistan đến Libya, kết thúc một cuộc chiến ở Iraq và khởi động lại ở Syria.
Bên cạnh đó, cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng khéo léo hỗ trợ chồng bằng cách dành sự quan tâm tới các hoạt động hỗ trợ gia đình cựu chiến binh và những quân nhân bị thương. Một điều mà người kế nhiệm bà, bà Melania Trump đã không làm được.
Minh Hạnh(Theo Defense One)