Nhóm thanh niên sống cùng nhau trong một nhà trọ ở Đà Nẵng chờ đến đêm tối để hành nghề. Khi trộm được xe, nhiệm vụ của "người đẹp" là rao bán xe trên mạng.
Báo Công an TP. Hồ Chí Minh dẫn lời trung tá Kiều Văn Vương, phó giám đốc Công an quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, ngày 26/3, cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Khê đã khởi tố, bắt tạm giam Tăng Hồ Ái Nghĩa (SN 1998), Nguyễn Như Quý (SN1997, cùng trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, Kỳ Hữu Tình (SN 1995, trú quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) và Nguyễn Thanh Hải (SN 2000), trú quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng để điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản.
Tăng Hồ Ái Nghĩa chính là kẻ cầm đầu điều hành đường dây trộm xe trên.
Tăng Hồ Ái Nghĩa tại cơ quan công an - Ảnh: báo Dân Trí |
Theo báo Dân Trí, trước đó, khoảng 5h ngày 15/3, Công an phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) phát hiện các đối tượng trên đang thuê trọ của một người dân trên địa bàn phường, qua kiểm tra hành chính phát hiện trong phòng trọ có ba chiếc xe máy không có giấy tờ, nghi đây là tài sản trộm cắp mà có nên đã bàn giao cho công an quận Thanh Khê.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đây là tài sản trộm cắp chưa kịp mang đi tiêu thụ.
Băng nhóm này do "người đẹp" (tên các thành viên trong băng nhóm thường gọi) Tăng Hồ Ái Nghĩa làm thủ lĩnh. Sau những lần "nhảy xe" thành công, Ái Nghĩa có nhiệm vụ đem rao bán trên các trang mạng và mọi chi tiêu trong việc mua bán xe, sinh hoạt nhóm đều được "người đẹp" ghi vào sổ sách rất chi tiết.
Theo Công an quận Thanh Khê, chỉ trong vòng 10 ngày, từ 4/3 đến ngày 14/3, nhóm này đã thực hiện 24 vụ trộm xe máy. Cơ quan CSĐT Thanh Khê đã thu được 8 xe máy và bàn giao xe cho 7 bị hại ở Đà Nẵng và Quảng Nam.
Hiện chuyên án đang được mở rộng điều tra làm rõ, ai là bị hại liên quan đến vụ án, đến cơ quan hoặc liên hệ với CSĐT công an quận Thanh Khê để làm rõ.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009) 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |