Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Bilawal Bhutto-Zardari kêu gọi sự giúp đỡ từ các quốc gia và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi đất nước của ông đang gặp phải tình trạng "thảm họa" khí hậu, The Guardian đưa tin ngày 29/8 (giờ địa phương).
Chính phủ Pakistan đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các quốc gia để giải quyết tình trạng khẩn cấp về lũ lụt đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Tối 28/8, Bộ trưởng Bilawal Bhutto-Zardari cho biết Pakistan cần hỗ trợ về tài chính do hiện tượng lũ lụt kéo dài trong nhiều tuần với lượng mưa gió mùa cực lớn và các sông băng tan chảy sẽ làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng của họ.
Ông nói: “Trong tương lai, tôi mong đợi không chỉ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mà cả cộng đồng quốc tế và các cơ quan quốc tế sẽ thực sự nắm bắt được mức độ tàn phá của lũ lụt. Tôi chưa từng thấy sự tàn phá với quy mô lớn thế này, thật khó để diễn tả bằng lời".
Ông Bilawal Bhutto-Zardari nói thêm rằng, nhiều loại cây trồng mang lại sinh kế cho người dân đã bị phá hủy. “Rõ ràng điều này sẽ có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế chung", ông nói.
Pakistan hiện đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao, đồng tiền mất giá và thâm hụt tài khoản vãng lai. Theo lời Bộ trưởng Bhutto-Zardari, ông hy vọng tình trạng khẩn cấp về lũ lụt sẽ khiến hội đồng quản trị của IMF phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 1,2 tỷ USD cho quốc gia Nam Á này.
Khoản viện trợ nước ngoài đầu tiên đã bắt đầu đến Pakistan vào ngày 29/8 trên các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ và UAE - khởi đầu của một hoạt động cứu trợ khổng lồ nhằm giảm nhẹ một thảm họa đã ảnh hưởng đến khoảng 33 triệu người và khiến nhiều vùng bị ngập lụt.
Máy bay trực thăng của quân đội Pakistan đang phải xoay xở để đưa người dân đến khu vực an toàn ở phía Bắc, nơi những đồi dốc và thung lũng gây ra những điều kiện bay nguy hiểm.
Nhiều con sông trong khu vực đã bị vỡ bờ, phá hủy nhiều tòa nhà, bao gồm cả một khách sạn 150 phòng bị vỡ vụn thành một dòng nước dữ dội.
Sherry Rehman, Thượng nghị sĩ Pakistan và Bộ trưởng liên bang về biến đổi khí hậu, nói với AFP: “Những gì chúng ta thấy bây giờ là một đại dương nước nhấn chìm toàn bộ các quận. Điều này khác xa so với gió mùa bình thường - đó là sự bất ổn về khí hậu".
Trước đó, bà Rehman cho biết khí hậu ấm lên khiến sông băng ở các khu vực miền núi phía Bắc Pakistan tan chảy nhanh hơn bình thường, làm trầm trọng thêm tác động của trận mưa lớn. Pakistan có nhiều sông băng với số lượng là 7.532.
Ông Simon Bradshaw thuộc Hội đồng Khí hậu Australia cho biết, Pakistan trở thành một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu và đang phải hứng chịu một “loạt các thảm họa thời tiết như hạn hán và lũ lụt”.
Ông nói, thời tiết khắc nghiệt cũng đã ảnh hưởng đến Trung Quốc, châu Âu và Mỹ vào mùa hè ở Bắc bán cầu. Hiện tượng này trở nên khó dự đoán hơn do bầu khí quyển ấm lên tạo ra nhiều hiện tượng bất thường hơn.
Bích Thảo(Theo The Guardian)