Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay 25/7, ông Võ Kim Cự- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định việc cấp phép đầu tư cho Formosa 70 năm là đúng quy định của pháp luật. Việc xem xét, cấp phép đầu tư cho Formosa chỉ trong thời gian 6 tháng cũng "không có vấn đề gì" (!).
Ông Võ Kim Cự trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay 25/7 (Ảnh: Thế Kha) |
-Tại sao phải tới khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng sẽ nhắc nhở ông về việc gặp gỡ báo chí, trả lời thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến Formosa thì ông mới đồng ý trả lời?
-Không phải, tôi đã có nói với báo chí từ lâu. Trước đó một vài anh em có gọi điện. Ngày 16, 17, 18/7 chúng tôi tập trung chuẩn bị cho Đại hội Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Tôi luôn sẵn sàng chứ không né tránh, đùn đẩy gì cả, cũng như không ai yêu cầu tôi phải gặp báo chí cả. Tôi rất muốn gặp, rất thoải mái, muốn gặp đông hơn nữa, kể cả ngày nghỉ.
Chủ tịch Ngân chưa gặp tôi. Tôi muốn gặp báo chí để chia sẻ thông tin chính thống, nói đầy đủ. Mình không thể né tránh. Tôi rất tin báo chí có lương tâm, nghề nghiệp, trách nhiệm để ổn định, xây dựng, phát triển. Mình bưng bít thông tin là không được.
-Đến giờ ông vẫn khẳng định việc cấp phép đầu tư cho Formosa 70 năm là đúng quy định?
-Chúng tôi làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư và trình tự của tôi là đúng, nghiêm túc, theo Luật Đầu tư, Luật đất đai và Nghị định 108 của Chính phủ. Thời điểm đó Chính phủ đã có công văn 869 đồng ý cấp phép. Cùng thời gian đó, Thủ tướng đã có văn bản 926 đồng ý cấp phép 70 năm, nên tôi cho rằng việc cấp phép phù hợp với luật pháp của chúng ta.
Khu kinh tế Vũng Áng nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, bão lũ thường xuyên, đời sống người dân nghèo nàn. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 72 vừa thành lập khu kinh tế vừa ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác.
-Thưa ông, thời điểm Thanh tra Chính phủ phát hiện việc cấp phép 70 năm cho Formosa chưa hề báo cáo và có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Hà Tĩnh mới tìm cách để hợp thức hóa sai phạm này. Vậy thì làm sao nói là đã làm đúng quy định được?
-Chính phủ đã có văn bản 926 rồi. Tôi đã trả lời rồi.
-Đúng quy trình nhưng tại sao vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn phát hiện tới 53 sai phạm?
-Đó là những sai phạm về mặt công nghệ môi trường, chứ không phải trong giấy phép đầu tư. Khác nhau hoàn toàn.
Trình tự để làm thủ tục cấp chứng nhận đầu tư theo Nghị định 108, Quyết định 72, Điều 34 của Luật Đầu tư và đúng với điều 67 của Luật Đất đai và đặc biệt trong Nghị định 108 về tiêu chí các nhà đầu tư được ưu đãi: Một là đầu tư vào lĩnh vực ngành mà chúng ta đang thiếu, ví dụ như thép vào thời điểm 2007 -2008 đang rất cần thiết. Thứ hai là tiền, thứ ba là cảng biển. Chúng ta chưa có cảng biển nào cho tàu 20 - 30 vạn tấn. Đặc biệt có một tiêu chí nữa, đây là dự án cần tới hàng vạn lao động.
Khi nhà đầu tư đăng ký, có văn bản số 323 của Thanh tra Chính phủ, đồng ý chủ trương và giao cho Hà Tĩnh chỉ đạo khu kinh tế, phối hợp với các bộ ngành hướng dẫn, kiểm tra và thẩm định hồ sơ. Sau khi có ý kiến tất cả các bộ ngành, tất cả hiện nay còn lưu giữ hết, báo cáo lại với Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đã có văn bản 869 đồng ý chấp thuận cấp chứng nhận đầu tư.
Theo Nghị định 108, Chính phủ uỷ quyền toàn bộ cho địa phương. Việc họ vi phạm như phóng viên nêu là về môi trường. Về mặt quản lý nhà nước, các cơ quan có chức năng được quy định của Nghị định 108 cấp giấy chứng nhận đầu tư là đúng đắn, theo luật, không bị sai, nhưng thực thi của chủ đầu tư Formosa là vi phạm. Ta đã và đang xử. Chúng tôi đang đề nghị xử lý nghiêm túc, tiếp tục giám sát chặt chẽ.
Formosa không thực hiện nghiêm như ta yêu cầu: Thay đổi công nghệ, thay đổi thiết bị thì ta kiến nghị thực hiện nghiêm túc hơn, có thể dừng, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, bồi thường toàn bộ, trả lại mặt bằng bình thường như trước đây.
Tôi cho rằng việc này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của chúng ta. đất chúng ta, luật của chúng ta, mọi điều kiện trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Hậu quả diễn ra, Chính phủ, địa phương tích cực chủ động làm trước khi Formosa chưa đền bù. Nay buộc họ đền bù theo cam kết, ưu tiên cho bà con ổn định đời sống, đòng thời bảo đảm khu vực này cả về lâu dài.
- Nhưng thưa ông sự việc của Formosa đã cho thấy thiếu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền địa phương?
-Tôi có được biết thì Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra mấy lần và đã báo cáo với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cơ quan cấp phép về đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Họ vừa thẩm định, vừa cấp phép và có trách nhiệm hậu kiểm sau này.
Đối với cơ quan địa phương có phần trách nhiệm trên địa bàn. Tôi có hỏi lại thì anh em có trao đổi lại rằng họ đã qua mấy lần kiểm tra, kết nối giữa quan trắc với Tổng cục Môi trường có vấn đề kỹ thuật nào đấy. Địa phương có phần trách nhiệm ở đây.
- Rõ ràng năng lực kiểm soát các vấn đề môi trường đối với Formosa chưa đạt yêu cầu?
-Đó là thiết bị công nghệ, không phải do con người
- Tại sao Hà Tĩnh lại chọn Formosa – một tập đoàn có nhiều tai tiếng về gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nước trên thế giới - chứ không phải nhà đầu tư khác?
- Có hai nhà đầu tư nhưng cân nhắc kỹ lưỡng, thực chất là chấm điểm, nhà đầu tư nào cao điểm hơn, đạt cả về kinh tế, quy mô, đặc biệt đến mỏ, khoáng sản.
- Thưa ông, thông thường quy trình cấp phép đầu tư cho những dự án lớn như thế này phải qua rất nhiều bước, nhiều cơ quan thẩm định nhưng tại sao với Formosa lại chỉ trong vài tháng đã hoàn thành cấp phép ?. Có những ưu ái gì đặc biệt chăng?
-Làm đúng luật, đúng trình tự, đúng quy trình luật pháp, không rút ngắn thời gian, không bỏ qua bất kỳ quy trình nào, không có gì ưu ái đặc biệt. Trình tự đủ, ý kiến bộ ngành liên quan đầy đủ. Thủ tướng đã đồng ý thì tiến hành cấp chứng nhận đầu tư.
- Trong 6 tháng cấp phép đầu tư có quá nhanh không?
-Nhanh chậm không quan trọng mà quan trọng là chất lượng, trách nhiệm của hội đồng thẩm định ấy. Có khi người ta làm việc tăng thêm thời gian, thêm năng suất, có những phương pháp làm việc tốt hơn bảo đảm điều kiện.
- Về mặt công nghệ, luật cho phép Bộ Công thương là cơ quan chủ quản quyết định dùng công nghệ nào?
-Quy định ở Việt Nam là địa phương giải phóng mặt bằng, tổng hợp lại thông tin. Nói là Khu kinh tế cấp nhưng nhất thiết phải có ý kiến của bộ ngành, Trung ương chứ tỉnh không thể tự quyết định được . Và lại có quy định phân cấp, toàn bộ vấn đề thiết kế cơ sở, thiết bị công nghệ thì Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp kiểm tra, có văn bản thì bên nhà đầu tư mới thực hiện. Tỉnh không có quyền và không làm được.
-Vừa qua tiếp tục phát hiện việc chôn lấp chất thải của Formosa trên địa bàn Hà Tĩnh có rất nhiều vấn đề vi phạm. Phải chăng chính quyền địa phương đã không làm tròn trách nhiệm?
-Trước hết có phần của Formosa bởi vì quy định trong quy hoạch đã có khu vực xử lý chất thải riêng. Nếu lọt ra thì có thêm trách nhiệm nữa. Đó là một số cá nhân của mình bên ngoài, tự ý thu gom, tự ý đưa về chôn lấp trong trang trại. Đó là vi phạm mà theo tôi phải xử lý nghiêm, cả bên phía chúng ta.
Có phần trách nhiệm trên địa bàn xã, huyện và cấp tỉnh. Mấy hôm nay tôi đã nghe thông tin ấy, đổ mấy xe, mấy chục tấn ở đâu... rất bức xúc, không thể chấp nhận được hành vi như vậy. Dù số lượng lớn hay nhỏ tôi đều phản đối và đề nghị xử lý nghiêm để nghiêm túc kiểm tra tiếp.
-Theo ông nên mở rộng điều tra việc xả thải, xử lý chất thải của Formosa?
- Cần tiếp tục rà soát, nếu vi phạm tiếp thì không dừng lại ở xử lý hậu quả mà tiếp tục xử lý nghiêm, bảo đảm phát triển bền vững. Không thể phát triển bằng mọi giá.
-Xin cảm ơn ông!
Như Dân trí đã phản ánh tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ hôm qua (22/7), phóng viên nhiều báo đặt vấn đề về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự với tư cách là Trưởng ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bí thư tỉnh Hà Tĩnh trong việc cho Formosa thuê đất 70 năm trái quy định của Luật Đầu tư đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong kết luận thanh tra năm 2014. Ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói: “Trách nhiệm cá nhân gắn với việc quyết định cấp phép 70 năm, câu hỏi của các nhà báo đã rất rõ rồi. Kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã nói rõ là giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở quy định pháp luật, thực tiễn ở Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng giải pháp này. Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch Đầu tư là giữ 70 năm nhưng kết luận của Thanh tra Chính phủ thời điểm đó đã khẳng định Hà Tĩnh làm như thế là chưa đúng pháp luật, bởi Luật Đầu tư chỉ cho phép 50 năm”. Về kiến nghị xem xét trách nhiệm, mặc dù thời điểm đó kết luận của Thanh tra Chính phủ không chỉ rõ từng cá nhân cụ thể nhưng ông Khánh cho rằng cấp có thẩm quyền, ban quản lý dự án phải xem xét xử lý kiểm điểm. “Đương nhiên gắn với tên tuổi thời điểm đó thì phải có trách nhiệm, không thể không có trách nhiệm”- ông Khánh nói. Đến nay Thanh tra Chính phủ đang hoàn tất việc kiểm tra thực hiện, xử lý các kiến nghị được nêu ra trong kết luận thanh tra. “Tổ kiểm tra mới kết thúc, đang chờ làm việc lại với Hà Tĩnh để thông báo kết luận đó. Tuy nhiên có một ý có thể liên quan trực tiếp đến báo chí hỏi, đó là chúng tôi đánh giá bước đầu Hà Tĩnh chưa nghiêm túc. Tôi tạm dùng từ đó và tất nhiên phải đối chiếu với việc đó. Trách nhiệm đó của những ai thì sẽ gắn với từng việc, từng người có trách nhiệm”- ông Khánh thông tin với báo chí. |
Thế Kha (ghi)
Nguồn: Dân trí