+Aa-
    Zalo

    Ông Trump, bà Clinton nỗ lực thuyết phục cử tri gốc Á

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hillary Clinton và Donald Trump thời gian qua đã liên tiếp tiến hành các cuộc vận động tranh cử nhằm vào khối cử tri gốc Á tại các bang còn dao động.

    Trong bối cảnh chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ bước vào ngày tổng tuyển cử, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 của đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump thời gian qua đã liên tiếp tiến hành các cuộc vận động tranh cử nhằm vào khối cử tri gốc Á tại các bang còn dao động.

    Theo phóng viên TTXVN tại Washington, do số lượng không lớn nên khối cử tri gốc Á trong các cuộc bầu cử trước đây thường đóng vai trò khá mờ nhạt và không tác động nhiều tới kết quả bỏ phiếu.

    Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Khối cử tri người gốc Á tại những bang "chiến địa” được đánh giá sẽ tạo ra thay đổi trong cuộc bầu chọn vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Kết quả thăm dò của các hãng uy tín cho thấy hiện vẫn còn khoảng 12 bang cử tri lưỡng lự, chưa quyết định sẽ bỏ phiếu bầu cho đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, trong khi đó cũng còn khoảng 20% cử tri Mỹ chưa lựa chọn bầu ứng cử viên nào.

    Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 Hillary Clinton và Donald Trump thời gian qua đã liên tiếp tiến hành các cuộc vận động tranh cử nhằm vào khối cử tri gốc Á tại các bang còn dao động. Ảnh: AFP/TTXVN.

    Cộng đồng gốc Á đang phát triển nhanh chóng ở Mỹ, với dân số tăng gấp đôi tại nhiều bang như Nevada, Carolina Bắc. Theo Giáo sư Taeku Lee của Trường Berkeley, khối cử tri gốc Á có thể thay đổi cán cân bầu cử năm nay. Trong chặng đua nước rút, nhận thấy tầm quan trọng của cử tri gốc châu Á, êkíp vận động tranh cử của bà Clinton đã triển khai nhiều chương trình quảng cáo truyền hình bằng ngôn ngữ của người Urdu, Việt Nam, Hoa, Hàn Quốc và Hindu.

    Các tình nguyện viên ủng hộ bà Clinton đã tiếp cận cử tri gốc Á bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng không bỏ lỡ cơ hội “ve vãn” cử tri gốc châu Á. Tháng 9 vừa qua, nhóm vận động tranh cử của tỷ phú Trump đã thành lập một ban tư vấn để nhắm tới khối cử tri này. Đầu tháng 10, ông Trump dự một sự kiện gây quỹ của tổ chức Liên minh Hindu Cộng hòa. Phát biểu tại đây, ứng cử viên của đảng Con voi (biệt danh của đảng Cộng hòa) cam kết “cộng đồng người Ấn và người Hindu sẽ có 1 người bạn thân thiết tại Nhà Trắng” nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11 tới. Tuy nhiên, các tuyên bố kỳ thị của tỷ phú này không tránh khỏi ảnh hưởng gây xa cách với cử tri gốc Á.

    Ngày 27/10, kết quả thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu Tôn giáo Công thực hiện cho thấy có tới 61% số cử tri Mỹ không tin tưởng cả hai ứng cử viên. Theo cuộc thăm dò này, tâm lý bi quan về hướng đi của nước Mỹ hiện cao hơn cuộc tổng tuyển cử năm 2012, với 74% cảm thấy thất vọng và 57% nghĩ rằng nước Mỹ đang đi lạc hướng. Yếu tố chính làm lay chuyển niềm tin của công chúng Mỹ chính là việc tỷ phú Trump trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

    Kết quả thăm dò được trang mạng RealClearPolitics công bố ngày 27/10 cho thấy bà Clinton tiếp tục dẫn điểm ông Trump với khoảng cách tối thiểu 5% số phiếu ủng hộ tại các bang có ý nghĩa quyết định tới kết quả bầu cử năm nay như Pennsylvania, Carolina Bắc và New Hampshire. Cuộc chạy đua cân bằng hơn ở tiểu bang miền Nam Florida. Các cuộc điều tra của Pew Research, Rasmussen Reports, ABC News Tracking, Economist/YouGov, IBD/TIPP Tracking, CNBC đều cho thấy cựu Ngoại trưởng dẫn trước ông Trump từ 2-9% số phiếu bầu.

    Trong khi đó, bà Clinton tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của các nhà tài trợ khi mà trong 19 ngày qua quỹ vận động tranh cử của bà đã nhận được gần 53 triệu USD, trung bình khoảng 2,8 triệu USD/ngày.

    Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử liên bang ngày 27/10, tính đến cuối tuần qua, chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã có 62,4 triệu USD tiền mặt. Số nhân viên hoạt động trong chiến dịch tranh cử là khoảng hơn 800 người, nhiều người trong số họ đã đi đến khắp các bang trên nước để vận động các cử tri bỏ phiếu cho bà. Ước tính, trong một tuần, bà Clinton tiêu khoảng hơn 16 triệu USD cho quảng cáo và cho Tập đoàn truyền thông đa quốc gia "Kanran Media" để vận động tranh cử.

    Bên cạnh đó, một nhóm tài trợ bên ngoài cũng tạo được một con số ấn tượng riêng trong tháng này. Cụ thể, quỹ "Ưu tiên nước cho nước Mỹ" đã quyên thêm được 18 triệu USD trong 19 ngày và quỹ này có thể quyên được nguồn đóng góp tài chính vô hạn từ các nhà tài trợ giàu có.

    Theo các nhà phân tích, việc chiến dịch tranh cử tiếp tục nhận được ngân sách vào giai đoạn cuối sẽ giúp cho bà Clinton có thể duy trì các chương trình tranh cử phong phú và hấp dẫn trong những ngày cuối cùng của chặng đua. Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, tỷ phú Trump không nhận được nguồn ngân sách nào từ các nhóm hỗ trợ bên ngoài trong tháng 10.

    Video tin tức được xem nhiều:

    [mecloud]Wj6R37y6hw[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-trump-ba-clinton-no-luc-thuyet-phuc-cu-tri-goc-a-a168171.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Donald Trump: Bà Clinton đáng phải vào tù

    Donald Trump: Bà Clinton đáng phải vào tù

    (ĐSPL) - Ứng cử viên tổng thống Mỹ 2016 của đảng Cộng hòa, Donald Trump tuyên bố, bà Hillary Clinton đáng ra “phải ngồi tù vì tham gia vào những vụ bê bối chính trị”.

    Bà Clinton giàu đến mức nào?

    Bà Clinton giàu đến mức nào?

    Sau 15 năm kể từ ngày tuyên bố mình “nghèo kiết xác”, bà Clinton và chồng đã gây dựng được một gia sản khổng lồ đáng mơ ước.