Liên quan đến sự việc 7 người chết sau đêm nhạc hội ở Hồ Tây do sử dụng chất kích thích, “ông trùm” tổ chức sự kiện Hoàng Công Cường cho rằng, một chương trình EDM không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới khán giả mang một tâm lý chung sẽ sử dụng chất kích thích.
7 người chết sau đêm nhạc hội ở Hồ Tây do sử dụng chất kích thích vẫn khiến dư luận bàng hoàng và đặt câu hỏi về mức độ rủi ro khi tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn, thu hút số lượng khán giả đông. PV đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Hoàng Công Cường – “ông trùm” tổ chức các sự kiện để lý giải về những rủi ro khi tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn.
PV: Đêm nhạc tại công viên nước Hồ Tây khiến 7 người chết do sử dụng thuốc kích thích, vậy nhạc EDM (nhạc điện tử) có sức hút như thế nào đối với các bạn trẻ?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: 7 người chết sau đêm nhạc hội tại Hồ Tây khiến chúng tôi là những người trong nghề vô cùng buồn.
Bản chất các công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp thì hầu như đã lường trước được những rủi ro trong công tác tổ chức. Tuy nhiên theo tôi nhận định do không gian của sân khấu quá chật, số lượng người khá lớn đổ về trong show diễn khiến phần kiểm soát về khán giả sử dụng chất ma tuý rất khó. Hơn nữa lực lượng an ninh bảo vệ cho chương trình chưa phân bổ đều tại các cụm khán giả để kịp thời ngăn chặn những hành vi sử dụng chất kích thích.
Hiện nay, tại các lễ hội, sự kiện lớn, kích thích cảm xúc của khán giả bởi 2 yếu tố. Thứ nhất là ca sĩ thần tượng, thứ hai là dòng nhạc mạnh EDM. Mà dòng nhạc EDM này sẽ làm cho khán giả có hưng phấn, đạt đến sự cao trào. Chính vì vậy, việc quản lý mỗi chương trình mang tính kích thích khán giả như vậy là cả một vấn đề.
Một phần do ý thức khán giả chưa tốt mới dẫn đến sự cố 7 người chết sau đêm nhạc hội ở Hồ Tây. |
PV: Khi tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn mang tính kích thích cảm xúc của khán giả, các đơn vị tổ chức có thể “đo” được những vấn đề tiêu cực trong đêm nhạc diễn ra?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Những năm trước đây không chỉ có EDM mà còn có nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài đến trình diễn tại Việt Nam cũng xảy ra sự cố tương tự, số lượng người quá đông xô đẩy và gào thét để chạm đến thần tượng của mình khiến khá nhiều các bạn trẻ bị ngất, thiếu oxy dẫn tới các sự cố không mong muốn. Rất khó để có thể biết trước được vấn đề gì sẽ xảy ra. Khi ấy, chỉ có thể coi là một trong những rủi ro của việc tổ chức biểu diễn. Một phần do công tác quản lý, công tác an ninh, một phần do ý thức của khán giả chưa thực sự tốt dẫn tới những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
PV: Khi tổ chức một sự kiện âm nhạc lớn, theo anh có những quy chuẩn cụ thể nào để tránh độ dồn nén, chen lấn xô đẩy của khán giả?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Ở nước ngoài, mỗi khi tổ chức một sự kiện, người ta sẽ đo lường được lượng khán giả đứng trong một sân khấu, tỉ lệ mỗi khán giả đứng cách nhau là bao xa, số lượng khán giả đứng tại các khu vực đều được bán vé đúng quy chuẩn để tránh số lượng quá đông dẫn tới thiếu khí và chen lấn xô đẩy.
Bên cạnh đó họ còn tính những vị trí khoảng cách âm thanh và người xem, vị trí của an ninh, y tế khi có sự cố thì sẽ tiệm cận đến khán giả bị thương như thế nào cho nhanh và hiệu quả nhất. Nhưng ở Việt Nam thì không có một quy chuẩn cụ thể để tránh độ dồn nén, chen lấn xô đẩy được an toàn.
Đạo diễn Hoàng Công Cường - "ông trùm" tổ chức sự kiện. |
PV: Nhiều người cho rằng, với những sự kiện âm nhạc lớn, mang tính cảm xúc, hưng phấn cho khán giả, việc có nhiều bạn trẻ mang chất kích thích là khó tránh khỏi, vậy đơn vị tổ chức cần làm gì để kiểm soát chặt chẽ và không để lại những hậu quả đáng tiếc?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Trước mỗi sự kiện diễn ra, đơn vị tổ chức cần truyền thông cho khán giả biết những điều lưu ý khi tham gia. Khi vào các lễ hội âm nhạc lớn trên thế giới thì công tác an ninh và kiểm tra khán giả khá tốt, kiểm tra nghiêm ngặt những vật dụng có tính sát thương, ma túy, các chất kích thích.
Bởi, xác định những chương trình EDM, khán giả mang một tâm lý chung họ rất muốn sử dụng những chất kích thích để dẫn dắt cảm xúc với dòng nhạc này, xu hướng đó đang rất rộng. Vì vậy, công tác tuyên truyền trước chương trình và trong chương trình về việc nghiêm cấm sử dụng chất kích thích cần được chú trọng và kiểm soát chặt chẽ.
Nếu kỹ hơn, khi đi qua cổng an ninh cần phải kiểm tra thật kỹ và máy soi an ninh kiểm tra hết đồ đạc. Khi vào, lực lượng vệ sĩ luôn được cắm chốt tại vị trí của khán giả. Mỗi đơn vị cần lên một kịch bản trước, trong đó nêu lên những rủi ro có thể xảy ra cao để phòng tránh. Vấn đề an ninh, y tế, cứu hỏa sẵn sàng túc trực nhất là những sân khấu đông người. Nếu sự kiện lớn được tổ chức ngoài trời thì công tác y tế rất quan trọng.
Khi tổ chức một sự kiện lớn, lực lượng an ninh, vệ sĩ chỉ cần phát hiện ra khán giả chớm sử dụng chất kích thích thì ngay lập tức sẽ phải mời họ ra ngoài ngay. Tôi nghĩ, dù bất kỳ việc gì xảy ra điều quan trọng nhất chính là ý thức của bản thân khán giả, tự bảo vệ sức khỏe của mình để tránh những hậu quả đáng tiếc.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Người Đưa Tin