+Aa-
    Zalo

    "Ông trùm oai hùng" không cứu được mẹ vợ thoát tù

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mẹ vợ của "ông trùm" một thời Khánh "trắng" được giang hồ ví là “hoàng thái hậu” của “ông trùm”, làm người ta buộc phải nhắc lại tiểu sử chẳng hay ho gì của gia đình, người thân bà này.

    (ĐSPL) - Mẹ vợ của "ông trùm" một thời Khánh "trắng" được giang hồ ví là “hoàng thái hậu” của “ông trùm”, làm người ta buộc phải nhắc lại tiểu sử chẳng hay ho gì của gia đình, người thân bà này. 
    Bây giờ, nhiều người vẫn sợ bóng, sợ gió khi nói về tội lỗi của “ông trùm” giang hồ Hà thành Dương Văn Khánh, tức Khánh “trắng”, vì sợ đàn em của “ông trùm” này trả thù. Dù, “ông trùm” đã bị thi hành án từ rất lâu rồi, đã cải táng, mang xương cốt về quê chôn. Có lẽ, vì lý do đó mà người ta ít nhắc đến người mẹ vợ quyền lực của “ông trùm”, tên Lương Thị Trang, sinh năm 1942, quê gốc ở Hưng Yên.
    “Hoàng thái hậu” vẫn mơ về “đỉnh cao quyền lực”
    Thật ra, chẳng ai muốn móc máy chuyện đã qua của “ông trùm” Khánh “trắng” cũng như những người thân. Thế nhưng, chính cái thái độ của bà Trang, người mà giang hồ ví là “hoàng thái hậu” của “ông trùm”, làm người ta buộc phải nhắc lại tiểu sử chẳng hay ho gì của gia đình, người thân bà này. Tại vụ án đánh bạc nào có mặt bà Trang, khi phóng viên tham dự phiên toà, bà đều có những từ ngữ rất thiếu thiện chí về họ. Những câu đại loại như: “Mấy con, thằng phóng viên kia...” và ném về họ cái nhìn rất thách thức, khó chịu theo kiểu coi chừng đấy, sẽ có người xử lý chúng mày. Chính vì thế, bà Trang để lại ấn tượng không tốt cho giới truyền thông, buộc họ phải quan tâm đến sự khác thường của bà.
    “Ông trùm oai hùng” một thời không cứu được mẹ vợ thoát ... tù
     Bà Lương Thị Trang khi bị bắt giữ tại sới bạc Sóc Sơn.(ảnh:Zing)
    Khi tiếp xúc với người chỉ huy của chuyên án triệt phá băng Khánh “trắng”, tôi cũng đã biết đôi điều về người mẹ vợ được cho là rất quyền lực của “ông trùm”. Thế nhưng, tôi cứ nghĩ, bà ta quyền lực ở chỗ “hét ra lửa” – sai khiến, quản lý đệ tử của Khánh “trắng”, chứ không phải chuyên đi tiêu tiền ở các sòng bạc. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà “ông trùm” đang thịnh thì “hoàng thái hậu” cũng đẩy mạnh hoạt động cờ bạc của mình. Khi đó, các xới bạc ở Hà thành, không chủ nào, con bạc chuyên nghiệp nào không biết tên bà Trang. Giới cờ bạc gọi biệt danh là Trang “trắng”, trùng với biệt danh của con rể. Mà thời đó, đàn bà đánh bạc không nhiều, thậm chí rất ít nên biệt danh Trang “trắng” chỉ quyền lực chứ không phải là cho dễ phân biệt như giải thích nôm na của ai đó.
    Đệ tử của Khánh “trắng” từng khai nhận, với gia đình, vợ con, các bậc sinh thành, Khánh đối xử rất tình. Đệ tử chưa chứng kiến hoặc nghe thấy Khánh nói to với vợ, con, mẹ bao giờ. Với mẹ đẻ và mẹ vợ, lúc nào Khánh cũng dạ, vâng rất đúng lễ nghĩa. Có lẽ, vì thế, khi Khánh bị tuyên tử hình, sốc nhất vẫn là con của “ông trùm”. Vì trong mắt các con, Khánh là một người cha trên cả tuyệt vời. Hiểu được cái tình mà con rể dành cho người thân, có tiền, lại nhận được sự “ảnh hưởng” từ tiếng tăm của con rể nên bà Trang càng ngày càng yêu thích trò chơi đỏ đen. Những năm 80 của thế kỷ trước, bà Trang có mặt ở bất cứ xới bạc nào của Hà thành và đều được đón chào “nồng nhiệt”. Đi chơi ở các sòng bạc chán chê, lợi dụng “ảnh hưởng” của  con rể, bà Trang tổ chức đánh bạc và gá bạc để kiếm bộn tiền hơn. Tất nhiên, khi đó, vì tiếng và sự “bao sân” của con rể nên sòng bạc do bà Trang tổ chức ít bị “sờ gáy”, hoặc có bị “sờ” thì cũng rất nhẹ.
    Tôi đã từng thắc mắc với một vị tướng, chuyên “săn đầu” tội phạm có tổ chức rằng: “Lúc triệt phá băng nhóm này, sao không xử lý mẹ vợ Khánh. Người đàn bà này luôn dùng “ảnh hưởng” của con rể làm những việc không tốt”. Vị tướng cười: “Xử lý phải phù hợp thời điểm và có những chứng cứ xác đáng. Thông tin trinh sát thì rất nhiều nhưng chuyển hoá thành chứng cứ thì phải có thời gian. Hơn nữa, tại thời điểm thực hiện chuyên án bắt Khánh “trắng”, làm gì có thời gian để nhắm vào đối tượng khác. Khánh “trắng” bị xử, mẹ vợ hắn sẽ không thể lợi dụng “quyền lực” của con rể để tổ chức đánh bạc, gá bạc nữa đâu”. Tôi hiểu, trong suy nghĩ của người đàn ông, phụ nữ chỉ là người ăn theo. Khi không còn đối tượng để ăn theo, bấu víu được nữa thì họ tự khắc phải trở về với bản ngã của mình. Nhưng, mẹ vợ của “ông trùm” Khánh “trắng” thì không như thế.
    “Ông trùm oai hùng” một thời không cứu được mẹ vợ thoát ... tù
    Người phụ nữ đứng bên trái ngoài cùng là mẹ vợ Khánh “trắng”.
    Cờ bạc trong máu, chảy trong huyết quản
    Theo hồ sơ tại cơ quan công an, bà Lương Thị Trang, sinh năm 1942, tại Hưng Yên là mẹ vợ của “ông trùm” xã hội đen Hà thành Khánh “trắng”. Thực ra, tôi chưa tiếp cận một cái hồ sơ nào mang tên “họ hoành” như thế. Bà Trang có "kỳ tích" dày đặc về hành vi đánh bạc kèm theo các hình thức xử lý khác nhau của cơ quan pháp luật. Với hồ sơ này, người ta nghĩ, bà này sinh ra chỉ để cờ bạc, đỏ đen, ăn thua với đời thì phải. Năm 1978, thời kỳ gọi là bao cấp, bà Trang đã nhận mức án 6 tháng tù về tội Đánh bạc. Đàn bà thời bao cấp đánh bạc quả là “họ hoành”. Các năm 1989, 1993, mẹ vợ “ông trùm” lại nhận án tù 6 tháng về tội Đánh bạc. Không dừng lại ở việc chỉ bị tù giam, xen kẽ với những lần bị đi tù ấy, bà Trang còn có nhiều lần bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc và gá bạc. Đó là vào các năm 1980, 1985, 1986, 2007. Gần đây nhất, vào ngày 19/3, bà Trang bị TAND tỉnh Bắc Ninh xử phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Đánh bạc. Ngày 19/6, bị cáo Lương Thị Trang bị TAND TP. Hà Nội xử phạt 28 tháng tù giam.
    Nhìn vào “thành tích” bị phạt hành chính, phạt tù của bà Trang mới thấy, người đàn bà này “lẫy lừng” trong giới cờ gian bạc lận như thế nào? Bà ta không chỉ “điểm danh” ở xới bạc nội thành mà còn ra cả xới bạc lớn ở ngoại thành và những “trung tâm” cờ bạc “khủng” của miền Bắc như là Chùa Dặn (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để chơi. Điều đó có nghĩa là độ chuyên nghiệp cờ bạc của bà Trang đã ở mức đẳng cấp, có thể chơi xuyên Việt được. Một đệ tử thân tín của “ông trùm” Khánh “trắng” đã giải nghệ, làm ăn lương thiện, cho biết: “Chẳng ai có thể khuyên can được bà Trang. Lúc đang “thịnh”, anh Khánh cũng chưa bao giờ góp ý với mẹ vợ về chuyện đó. Anh bảo, đó là thú vui, kệ để cho bà hưởng. Có thể, nhận được sự chiều chuộng của con rể nên bà Trang càng cờ bạc nhiều hơn, vì máu đỏ đen đã chảy trong huyết quản rồi. Thời điểm này, cũng khá nhiều lần, anh Khánh phải cho đệ tử đi giải quyết chuyện liên quan đến máu đỏ đen của mẹ vợ. Đang sát phạt nhau trong xới, thiếu tiền, bà gọi điện về cầu cứu, anh Khánh lại cho người mang đến ngay. Lần mở sòng, bà cần tiền để cho con bạc vay, anh Khánh cũng cấp vốn. Cho vay, bị con bạc “bùng”, anh Khánh lại phải điều đệ tử đi giải quyết. Là mẹ đẻ nhưng tính cách bà Trang rất khác với vợ anh Khánh; là phụ nữ nhưng bà Trang khác với mẹ đẻ anh Khánh. Vợ anh Khánh đã từng khóc, xin mẹ đừng cờ bạc nữa nhưng bà vẫn chơi bạc như thú vui cần phải có trong đời.”
    Tôi cứ thắc mắc rằng, tiền để vào chơi ở một xới bạc lớn như ở Tân Dân, Chùa Dặn là rất nhiều, bà Trang lấy ở đâu ra. Bởi, tiền qua cửa đã 500.000 đồng. Tiền đặt một lần, ở xới bạc lớn ít nhất là 500.000 đồng/lần. Được, thua không thể dưới 100 triệu đồng và nhiều thì hàng tỉ đồng. Con rể đã sang cát từ lâu, “ảnh hưởng” cũng không còn như xưa. Vậy bà Trang lấy tiền ở đâu để chơi ở những sòng bạc lớn? Câu hỏi này cứ vất vưởng trong đầu tôi. Một người đồng nghiệp bảo rằng: Đàn em của “ông trùm” kiểu gì cũng cung phụng. Tôi cho rằng, điều đó có thể nhưng họ chỉ biếu tiền để sinh sống thôi chứ ai lại cung cấp cho nhiều tiền để đánh bạc thế? Hay, có một đệ tử nào đó của “ông trùm” muốn rửa tiền thông qua bà Trang?  
    57 bị cáo bị xét xử tội Đánh bạc  và Tổ chức đánh bạc
    Tuần qua, TAND TP. Hà Nội đưa 57 bị cáo trong vụ đánh bạc ở xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội ra xét xử. Đây là vụ đánh bạc “khủng” 68 đối tượng bị bắt, thu giữ hơn 600 triệu đồng, 26 túi xách cá nhân đựng hơn 500 triệu đồng, một súng ngắn kèm hộp đạn sáu viên và nhiều "đồ nghề" dùng để đánh bạc. Đối tượng tổ chức đánh bạc là Nguyễn Văn Tú tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn.
    Công an khám nhà Tú thu giữ 1,3 tỉ đồng, 7.000 USD, một súng ngắn bên trong có sẵn năm viên đạn, 20 dao quắm... Tú phân công cho Lê Xuân Hưởng, tức Hưởng "đồng cô" là người "làm cái", Đặng Bá Hòa làm nhiệm vụ xóc cái, Nguyễn Bá Tấn thu tiền phế, bảo vệ sới bạc và làm hồ lỳ. Tú và Hưởng đã bỏ trốn, hiện bị cơ quan công an phát lệnh truy nã toàn quốc. HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án cao nhất là 30 tháng tù giam. Có 35 bị cáo nhận mức án tù giam từ 15-30 tháng; 22 bị cáo được hưởng mức án tù treo.                  
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-trum-oai-hung-khong-cuu-duoc-me-vo-thoat-tu-a38554.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan