Thông tin trên báo VietNamnet cho biết, phiên toà xét xử cha con ông Trần Quí Thanh (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát) dự kiến diễn từ ngày 23- 25/4, do thẩm phán Huỳnh Minh Trực làm chủ tọa.
Đại diện VKSND TP.HCM tham gia phiên tòa theo sự phân công của VKSND tối cao gồm: Ông Vũ Tất Ba, ông Phạm Văn Hiền và ông Mai Hoàn Đông.
Tham gia phiên tòa, có 4 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo gồm luật sư Trương Thị Minh Thơ, Kiều Vũ Thụy Uyên, Trương Thanh Đức và luật sư Nguyễn Trường Sơn.
HĐXX cũng triệu tập 4 người là bà Đặng Thị Kim Oanh, ông Nguyễn Văn Chung, ông Lâm Sơn Hoàng và ông Nguyễn Huy Đông với vai trò là bị hại.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án gồm Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Kim Oanh Đồng Nai và 34 cá nhân khác.
Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ năm 2019 - 2020, ông Trần Quí Thanh cùng Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương thông qua môi giới đã cho bốn cá nhân vay tiền với lãi suất 3%/tháng. Tổng trị giá tài sản chiếm đoạt đối với cả 4 bị hại được xác định là hơn 1.048 tỷ đồng.
Cha con ông Thanh cho các bị hại vay tiền bằng hình thứ thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc cổ phần của dự án để che giấu bản chất của việc cho vay. Tuy nhiên, theo điều tra thì khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận nhưng cha con ông Trần Quí Thanh lại viện ra các lý do để không trả lại tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.
Cụ thể, vào năm 2017, ông Nguyễn Huy Đông thế chấp 2 thửa đất cho một ngân hàng để lấy 59 tỷ đồng. Đến tháng 1/2019, ông Đông cần vay 67 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng thì được môi giới giới thiệu với ông Trần Quí Thanh.
Người môi giới trao đổi cách thức vay là ông Đông phải chịu lãi suất 3%/tháng nhưng phải chuyển nhượng 2 thửa đất cho bà Trần Uyên Phương và chịu phí môi giới 6%/tổng tiền vay.
Khi gặp ông Thanh, ông Đông đề nghị vay 90 tỷ đồng nhưng ông Thanh chỉ đồng ý cho vay 80 tỷ đồng. Sau khi thống nhất, đầu tháng 2/2019, ông Đông thực hiện giải chấp khoản vay 67 tỷ đồng tại ngân hàng và làm hợp đồng giả cách chuyển nhượng lại cho bà Uyên Phương tại văn phòng công chứng Hoàng Xuân Ngụ.
Bà Uyên Phương không có mặt tại văn phòng công chứng mà ủy quyền cho nhân viên của mình thực hiện thủ tục sang tên 2 thửa đất.
Sau khi thực hiện các thủ tục trên, ông Đông nhận được giấy viết tay có nội dung "vay 80 tỷ, trả ngân hàng 67,4 tỷ đồng, lãi 3 tháng là 7,2 tỷ, tiền môi giới 2,5 tỷ, thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ (2,5%) là 1,684 tỷ đồng, còn lại thực nhận là 1,241 tỷ đồng". Đến lúc này ông Đông mới biết chỉ thực nhận được hơn 1,2 tỷ đồng nhưng buộc phải ký xác nhận.
Ngày 18/2/2019, ông Đông được Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Bình Tân gọi xác minh việc thay đổi tên người sử dụng đất sang bà Trần Uyên Phương, thì ông Đông nhiều lần liên lạc Phương nhưng không được. Do đó, ông Đông đề nghị dừng việc thay đổi tên sở hữu 2 thửa đất. Sau đó, ông Đông đến Công ty Tân Hiệp Phát tìm gặp ông Trần Quí Thanh xin trả 80 tỷ đồng để chuộc lại 2 thửa đất thì phía Tân Hiệp Phát yêu cầu ông phải đóng 95 tỷ đồng, ông Đông nhắn tin xin giảm bớt nhưng ông Thanh không trả lời.
Sau đó, bà Trần Uyên Phương khởi kiện ông Đông, tranh chấp hai thửa đất trên và được Tòa án nhân dân quận 3 tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Phương, buộc ông Đông tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tại hợp đồng mua bán.
Ngày 8/6/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đề nghị giám đốc thẩm để hủy bản án sơ thẩm. Đầu năm 2024, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử tái thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm trên của Tòa án nhân dân quận 3. Giá trị chiếm đoạt trong vụ này được xác định là 38,9 tỷ đồng, báo Tuổi trẻ dẫn thông tin vụ án.
B.A (T/h)