Báo Lao Động đưa tin ngày 14/5, Viện KSND Tối cao vừa có quyết định trả hồ sơ lần thứ 2 để yêu cầu điều tra bổ sung vụ án sản xuất, buôn bán, tiêu thụ hàng triệu cuốn sách giả xảy ra tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội Quản lý thị trường 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.
Theo kết luận, năm 2021, Cao Thị Minh Thuận - Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát cùng đồng phạm đặt in, nhập kho hơn 9,3 triệu quyển sách giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo Dục. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển; còn 3 triệu quyển chưa kịp bán bị cảnh sát thu giữ.
Điều tra mở rộng, cảnh sát làm rõ, trước khi bị phát hiện, ngày 9/7/2020, Thuận đã bị Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội phối hợp Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả.
Sau đó, ông Trần Hùng - Tổ trưởng Tổ 304 gọi điện hỏi Nguyễn Duy Hải - lao động tự do về nhân thân của Thuận. Hải là người biết nhiều cơ sở in sách lậu và từng cấp thông tin liên quan ông Trần Hùng.
Thuận sau đó nhờ Hải liên hệ với ông Trần Hùng để "chỉ đạo xử lý nhẹ" vụ việc của mình và sẽ đưa 400 triệu đồng. Trong đó Thuận đưa trước 300 triệu, 100 triệu còn lại sẽ đưa khi xong việc.
Sau khi gặp Hải, ông Hùng đã hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, từ "mua của một số người" sang "có người ký gửi" để được giảm nhẹ.
Ngày 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đưa cho ông Trần Hùng tại phòng làm việc ở Tổng cục Quản lý thị trường, kết luận điều tra nêu.
Ngày 20/8/2020, một hội đồng gồm Quản lý thị trường, Viện kiểm sát, Công an TP.Hà Nội họp và thống nhất do sách thu giữ của Thuận là "do người khác ký gửi" nên không đủ căn cứ xử lý hình sự, cho xử phạt hành chính.
Theo cơ quan điều tra, ông Trần Hùng khai, từng hứa sẽ "tha cho Thuận" với điều kiện người này phải "chỉ ra các cơ sở in ấn sách giả".
Bị can Hùng cũng thừa nhận gặp Nguyễn Duy Hải tại phòng làm việc của mình nhưng khẳng định khi anh ta đưa 300 triệu đồng đã "không đồng ý"; việc này có sự chứng kiến của 2 đồng nghiệp.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho hay, có đủ cơ sở xác định bị can Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng của Thuận thông qua Hải, đồng thời “hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc sách bị thu giữ”. Hành vi này giúp Thuận không bị xử lý hình sự nên cô ta “tiếp tục sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với số lượng lớn”, giá trị theo bìa khoảng 140 tỷ đồng.
Tại kết luận điều tra bổ sung ban hành tháng 4/2022, cơ quan điều tra đề nghị xem xét tình tiết tăng nặng của bị can Trần Hùng trong quá trình truy tố, xét xử do: “Không hợp tác, không thành khẩn, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình”.
Theo VTC News, hồi tháng 1/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra kết luận, đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ. Sau khi viện kiểm sát trả hồ sơ lần thứ nhất, phía điều tra ra kết luận bổ sung, đề nghị truy tố 34 bị can.
Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát cùng 28 đồng phạm bị đề nghị truy tố tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Bên cạnh đó, có 3 cựu cán bộ Đội QLTT số 17 bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Lê Việt Phương, nguyên Phó Đội trưởng; Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương, cùng nguyên kiểm soát viên.
Bị can Trần Hùng bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”. Bị can Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị đề nghị truy tố tội “Môi giới hối lộ”.
Ông Hùng bị khởi tố tháng 8/2021 để điều tra hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn…”, nhưng đến tháng 11 cùng năm, vị này bị chuyển tội danh sang “Nhận hối lộ”.
Mộc Miên (T/h)