Ngày 13/3, trong cuộc phỏng vấn với các hãng thông tấn, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đang diễn ra giữa 2 bên.
Tuy nhiên, ông Putin cũng nhấn mạnh điều này sẽ chỉ xảy ra nếu điều kiện về các vùng lãnh thổ đã sáp nhận vào Nga được tính đến và đảm bảo. "Chúng tôi đã sẵn sàng đàm phán nhưng chúng tôi chỉ sẵn sàng đàm phán dựa trên những thực tế đã xuất hiện trên thực địa, chứ không phải dựa trên những điều kiện phi thực tế”, ông nói.
Tổng thống Nga cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán hòa bình có thể diễn ra sẽ không chỉ tạm dừng xung đột để Ukraine có cơ hội tái vũ trang mà là một cuộc trò chuyện nghiêm túc nhằm đảm bảo an ninh cho Moscow.
Xung đột Nga - Ukraine trở thành một cuộc chiến tiêu hao dẫn đến tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra nhưng chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa hai bên.
Nga trước đó từng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ" gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10/2022 và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ nước này, bao gồm cả bán đảo Crimea. Ngoài ra, Ukraine cũng muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra cuối năm 2022.
Tổng thống Zelensky mới đây cũng đã lên tiếng bác bỏ mọi ý tưởng về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Ông cho rằng đây sẽ là một cơ hội mới cho Nga để khôi phục khả năng chiến đấu, sản xuất vũ khí cũng như đạn dược.
"Đối với ông Putin, lệnh ngừng bắn sẽ là một cơ hội mới. Đây không phải là các cuộc đàm phán hòa bình mà là một cách để Nga khôi phục khả năng chiến đấu của quân đội và đào tạo lính nghĩa vụ trẻ”, ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn hôm 11/3 với hãng tin BFMTV của Pháp.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine vẫn lên tiếng ủng hộ một kế hoạch hòa bình có thể được soạn thảo trong Hội nghị thượng đỉnh hòa bình sẽ diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng 4 tới. Các quốc gia ủng hộ kế hoạch này sau đó có thể "giao nó cho các đại diện Nga".
Phương Uyên (Theo Pravda)