Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh "đâu chỉ sai phạm sau một đêm mà đã nhiều năm", nhưng không vì vậy mà mất niềm tin vào lớp cán bộ trẻ, "quan trọng nhất là cán bộ trẻ được thử thách, kiểm tra, giám sát thường xuyên".
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 18, ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét thi hành kỷ luật đối với ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng và nhiều nội dung quan trọng khác.
[presscloud]375[/presscloud]
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng viện Chiến lược, bộ Công an.
PV: Thưa ông, thời gian qua, một số cán bộ đã qua bầu cử hoặc bổ nhiệm với thời gian công tác nhất định và kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo nhưng lại có kết luận vi phạm và bị xem xét thi hành kỷ luật, ví dụ như trường hợp Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Ông có suy nghĩ thế nào về thực trạng này?
Ông Lê Văn Cương: Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mới vào Trung ương được hơn 1 năm (tháng 1/2016, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII nhiệm kỳ 2016-2021-PV). Phải nói rằng, quy trình để một cán bộ vào Trung ương là rất chặt chẽ. Nhưng sau hơn 1 năm, ông Nguyễn Xuân Anh đã có những sai phạm nghiêm trọng đến mức cần phải xem xét kỷ luật.
Điều này có thể thấy, quy trình chúng ta làm đúng, nhưng thực chất có lỗ hổng trong việc đánh giá, tuyển chọn cán bộ cũng như quá trình giám sát hoạt động của cán bộ. Lỗ hổng này đã đẻ ra hiện tượng như ông Nguyễn Xuân Anh.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: "Không vì trường hợp Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mà mất niềm tin vào cán bộ trẻ". |
Tôi cho rằng, việc đánh giá cán bộ của chúng ta hiện nay,có nơi,có lúc có sự yếu kém.
Riêng với trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, chưa nói đến những tiêu cực đằng sau, mà trước mắt thấy ngay sự yếu kém trong tuyển chọn cán bộ.
Thêm nữa, hệ thống giám sát cán bộ có sự thiếu kiểm tra, đánh giá. Thực tế, sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh đâu chỉ sau một đêm, đó là một quá trình. Rõ ràng có sự nới lỏng ở khâu quản lý cán bộ.
Từ vụ việc của ông Nguyễn Xuân Anh cũng thấy rằng, trong đánh giá cán bộ có sự hời hợt, giám sát, quản lý yếu kém. Chính vì vậy, một cán bộ 39 tuổi vào Trung ương đến nay đã có những vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.
PV: Sau đề nghị lần này của ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc xử lý ông Nguyễn Xuân Anh sẽ thế nào theo nguyên tắc về công tác cán bộ, thưa ông?
Ông Lê Văn Cương: Bộ Chính trị sẽ đề nghị hình thức kỷ luật với ông Nguyễn Xuân Anh nhưng tôi nghĩ việc này phải đưa ra Hội nghị Trung ương 6 sắp tới bàn và quyết định. Theo đó, Bộ Chính trị sẽ họp và đề nghị các hình thức kỷ luật để Trung ương bỏ phiếu lựa chọn hình thức kỷ luật phù hợp nhất.
Trong hơn 4,5 triệu Đảng viên hiện nay, chưa có ai được kết nạp mà không trung thực. Dưới cờ Đảng, bất cứ Đảng viên nào cũng tuyên thệ trung thực, gương mẫu, tận tụy... Đến nay, ông Nguyễn Xuân Anh đã bộc lộ sự thiếu trung thực của mình, tôi nghĩ, Đảng sẽ có xử lý phù hợp.
Cá nhân tôi đề nghị Trung ương Đảng căn cứ vào những tiêu chí đầu vào với một cán bộ Đảng viên để xử lý nghiêm khắc với trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh.
PV: Ông đánh giá thế nào trước ý kiến cho rằng, phát hiện sai phạm của một số cán bộ chậm một phần do tâm lý nể nang, ngại va chạm?
Ông Lê Văn Cương: Về việc này, tôi nghĩ hãy để những người trong cuộc lên tiếng.
Tôi chỉ nhìn nhận công tác cán bộ có sự yếu kém. Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, như tôi đã nói, không phải ngày hôm qua tốt, hôm nay xấu mà đã trải qua rất nhiều năm rồi. Đây là một bài học kinh nghiệm cần rút ra, chúng ta không nên lặp lại sai lầm.
Công tác cán bộ cần làm sao nghiêm túc, để đội ngũ của chúng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Muốn đạt được kết quả này, cần có những xử lý nghiêm túc với các trường hợp sai phạm, ví dụ như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
PV: Thưa ông, ông Nguyễn Xuân Anh mắc những sai phạm nghiêm trọng ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Nhưng không vì vậy mà chúng ta nghi ngại chủ trương trẻ hóa cán bộ hiện nay, mà quan trọng là cần làm công tác cán bộ chặt chẽ, nghiêm túc hơn?
Ông Lê Văn Cương: Đúng vậy, về nguyên tắc, lớp cán bộ sau phải tốt hơn lớp cán bộ trước để đưa đất nước phát triển đi lên. Tuy nhiên, trong lớp cán bộ trẻ không phải 100% sẽ tốt hơn cán bộ già. Dù vậy, cán bộ trẻ không vì một vài trường hợp như Nguyễn Xuân Anh mà bị nhìn nhận sai lệch. Chúng ta vẫn có thể yên tâm bồi dưỡng, tôi luyện cán bộ trẻ góp phần đưa đất nước đi lên.
Tôi chỉ muốn lưu ý một điều, cán bộ trẻ có năng lực, được đưa vào vị trí lãnh đạo cũng tốt, nhưng phải là những cán bộ đã qua rèn luyện thực tiễn, có kinh nghiệm, được thử thách, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đưa cán bộ vào hoạt động phải đi kèm với kiểm tra giám sát thường xuyên trước khi đề bạt, trọng dụng. Làm như vậy, niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ cao. Thế hệ trẻ sẽ quyết định tương lai của đất nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Dương Thu