Nhiều ý kiến cho rằng ông Lê Văn Vọng đã thoái vốn và không còn liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng khi tỷ lệ sở hữu của ông chủ chiếc Rolls-Royce BKS 15555 ở đây giảm về con số 0. Song, sự thật có phải như vậy?
Doanh nhân Lê Văn Vọng |
Ông Lê Văn Vọng (SN 1977) được biết đến là người sáng lập Tập đoàn Lã Vọng với chuỗi nhà hàng ẩm thực, hầm rượu, hầm bia Lã Vọng. Trong những năm qua, Tập đoàn Lã Vọng còn được biết đến là một doanh nghiệp bất động sản với hàng loạt dự án BT tại Hà Nội.
Công ty cổ phần Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng) được thành lập vào ngày 2/8/2016 do ông Lê Văn Vọng làm Chủ tịch HĐQT.
Tập đoàn này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Lê Văn Hải (100 tỷ đồng); bà Đặng Thị Như Trang (100 tỷ đồng) và ông Lê Văn Vọng (300 tỷ đồng).
Tập đoàn Lã Vọng và các doanh nghiệp thành viên được biết đến là chủ đầu tư hàng loạt dự án như: Dự án Ngôi nhà mới ở Quốc Oai; Dự án New House Xa La; Dự án xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình (BT); Dự án Khu đô thị Louis City…
Tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện các dự án của Tập đoàn Lã Vọng.
Song trước đó, tháng 1/2018, Tập đoàn Lã Vọng có công bố thông tin thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, thông tin tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tại Tập đoàn Lã Vọng không còn thể hiện.
Dư luận cho rằng, anh em ông Lê Văn Vọng dường như biết trước “có biến” nên đã thoái vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng. Việc ông chủ chiếc Rolls-Royce biển 15555 thoái sạch vốn tại nhiều doanh nghiệp khiến người ta nhớ lại động thái tương tự của nhiều đại gia trước đó. Cũng gốc Hà Nội như ông Vọng là đại gia Trần Đăng Khoa (Khoa “Keangnam”). Tại Đà Nẵng là ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”). Ông Vũ “nhôm” cũng đã thoái sạch vốn của mình ở hàng loạt công ty sau khi “có biến” trong vụ đất công ở Đà Nẵng.
Nhưng, sự thật có phải ông Lê Văn Vọng đã thoái vốn tại Tập đoàn Lã Vọng?
Việc thông tin cổ đông sáng lập gồm Lê Văn Vọng, Lê Văn Hải và Đặng Thị Như Trang không thể hiện trên đăng ký doanh nghiệp có thể là nhóm cổ đông này đã thoái vốn.
Tuy nhiên, cũng có thể đây là việc tái cơ cấu của Tập đoàn Lã Vọng.
Tập đoàn Lã Vọng không phải là doanh nghiệp niêm yết. Vì vậy, thông tin chuyển nhượng cổ phần hay chủ sở hữu không được công bố. Bởi vậy, rất có thể, ông Lê Văn Vọng và những người liên quan chuyển giao cổ phần cho các tổ chức, cá nhân khác đứng tên.
Hơn nữa, từ tháng 1/2018 đến nay, Tập đoàn Lã Vọng vẫn hoạt động ở địa chỉ cũ. Không những vậy, ông Lê Văn Vọng còn thành lập một công ty mới có địa chỉ cùng hàng loạt doanh nghiệp trước đây của ông là Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam (VFI Group).
Ngay sau khi thành lập, Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới – thành viên Tập đoàn Lã Vọng và VFI Group đã nhanh chóng hợp tác, và trở thành liên danh nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển dự án KĐT mới Trung Minh A, TP. Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.126 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn Lã Vọng và VFI còn liên danh đề xuất lập đồ án quy hoạch 3 dự án tại Phú Yên.
Và tháng 8/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản 10880/UBND-CN ngày 21/8/2019 thống nhất chủ trương để Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Đại Việt và Công ty TNHH Hoàng Tuấn tự bỏ kinh phí để nghiên cứu khảo sát, đề xuất phương án lập quy hoạch Khu đô thị Newhouse City tại các xã Hoằng Minh, Hoằng Vinh, Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa.
Thương hiệu Newhouse (ngôi nhà mới) đã gắn liền với Tập đoàn Lã Vọng. Còn Công ty Đại Việt được thành lập vào ngày 23/3/2017, với vốn điều lệ 390 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là ông Lê Văn Hải (sinh năm 1984) nắm 90% vốn, hai cổ đông sáng lập còn lại là Kim Văn Bộ (5%) và Vũ Văn Tuấn (5%).
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về các dự án của Tập đoàn Lã Vọng. Rất nhiều sai phạm đã được nêu ra, tuy nhiên việc xử lý sai phạm sau kết luận thanh tra sẽ vẫn phải chờ.
THỦY TIÊN