May mắn, nhờ những tấm lòng hảo tâm của người TP.HCM đầy nghĩa khí, giờ đây cuộc đời ông Hải – một người vô gia cư đã bước sáng một trang mới đầy tươi sáng hơn.
Ông Đào Kim Hải được mạnh thường quân giúp đỡ có cuộc sống mới. Ảnh: Vietnamnet |
Cách đây ít ngày, ông Đào Kim Hải (62 tuổi, tạm trú quận 4, TP.HCM) còn phải sống lay lắt trên vỉa hè, tối tối vào trạm chờ xe buýt để ngủ qua đêm, trên người không có nổi 100 ngàn đồng. Vô tình, ông được một nhóm bạn trẻ phát hiện, tìm hiểu về hoàn cảnh rồi đưa thông tin lên mạng xã hội nên ông được nhiều người tìm đến giúp đỡ.
Trong số các mạnh thường quân có vợ chồng chị Ngọc Hân, 37 tuổi, chủ cửa hàng kinh doanh ở đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, TP.HCM) tìm tới đưa ông về nhà chăm sóc và tạo điều kiện cho ông có việc làm.
Chia sẻ trên tờ Vietnamnet, chị Ngọc Hân kể, biết hoàn cảnh của ông Hải, vợ chồng chị đến đón về nhà từ ngày 8/4. “Vợ chồng tôi sẽ để chú làm việc tại cửa hàng, có trả lương và nuôi chú ăn ở. Nếu chú ấy ở đây không thoải mái, vợ chồng tôi sẽ thuê phòng cho chú ở”, chị Ngọc Hân nói.
Trước đây do không nhà cửa, vợ con nên ông Hải lang thang khắp nơi kiếm sống. Ông ở trọ trên đường Bến Vân Đồn (Quận 4, TP.HCM) rồi xin làm bảo vệ cho một cửa hàng ở đường Trần Hưng Đạo, Quận 1.
Hai tháng nay, dịch Covid-19 hoành hành, cửa hàng nơi ông làm việc phải đóng cửa, ông thành thất nghiệp. Không có tiền trả tiền nhà, ông đành mang hộ khẩu và chứng minh thư đi cầm cố. Mất việc lâu, tiền không có, tiền nhà nợ mấy tháng khiến bản thân ông tự thấy xấu hổ nên đã trả lại phòng trọ, sống lang thang. May nhờ có sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, giờ cuộc sống của ông Hải đã bước sang một trang mới.
Không chỉ riêng người vô gia cư ở Việt Nam mà tất cả người vô gia cư trên thế giới đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Đánh giá về nhóm người yếu thế trong tình cảnh đại dịch, Ủy viên Châu Âu về việc làm và quyền xã hội Nicolas Schmit nói: “Sống trên đường phố dẫn đến tác động lớn về tâm lý lẫn sức khỏe thể chất. Người vô gia cư rõ ràng chịu nhiều rủi ro. Họ thường mắc bệnh từ trước, vì vậy cần được xem là nhóm có nguy cơ cao. Virus SARS-CoV-19 còn có thể lây sang đối tượng tiếp xúc với người vô gia cư. Các tình nguyện viên cũng cần được bảo vệ”.
Cùng quan điểm trên, bà Ruthy Owen, Phó giám đốc Hiệp hội Các tổ chức quốc gia làm việc với người vô gia cư (FEANSTA - tổ chức được Ủy ban Châu Âu tài trợ), cho rằng cần tập trung xét nghiệm cho người vô gia cư vì họ là nhóm yếu thế, không đủ khả năng tự bảo vệ bản thân, có nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong cao hơn. “Phần lớn những cơ sở cho người vô gia cư lánh nạn sẽ trở nên nguy hiểm nếu chúng ta không thể cách ly người nhiễm với người chưa nhiễm”, tờ The Guardian dẫn lời bà Owen nói.
Thanh Tùng (T/h)