+Aa-
    Zalo

    Ông lão "khắc tinh" của rắn độc ở Tây Nguyên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều người từng bị rắn độc cắn thập tử nhất sinh, bị bệnh viện trả về được ông cứu thoát khỏi lưới hái tử thần bằng bài thuốc kỳ bí trong thiên nhiên.

    Nhiều người từng bị rắn độc cắn thập tử nhất sinh, bị bệnh viện trả về được ông cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần bằng bài thuốc kỳ bí trong thiên nhiên.

    Ông là Vi Văn Đào (SN 1948) trú thôn 8, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Ông được người dân nơi đây gọi là "khắc tinh" của nhiều loài.

    Không nhớ đã cứu bao nhiêu người

    Chúng tôi tìm đến đầu xã Tân Hòa hỏi đường vào nhà ông Đào, thì được người dân niềm nở cho biết: "Chú hỏi ông Đào 'khắc tinh' của rắn phải không? Người dân huyện Buôn Đôn sống gần núi rừng nên thường xuyên bị rắn cắn. Ông ấy chính là ân nhân của nhiều người".

    Sau đó, người này trực tiếp dẫn đường để chúng tôi đến gặp "thần y". Trước đây, gia đình ông Đào ở Bắc Giang, sống gần rừng núi nên chứng kiến nhiều người bị rắn độc cắn phải bỏ mạng. Thấy cảnh đau lòng xảy ra trong thôn xóm, ông xin gia đình đi tìm thầy học các bài thuốc chữa rắn độc cắn.

    24 năm qua, ông không thể nhớ được mình đã cứu sống bao nhiêu người bị rắn cắn thoát khỏi tử thần. Hễ có nạn nhân là ông đi, bất kể lúc đó là đêm khuya hay trời mưa bão. Trong số những người được cứu chữa, có bệnh nhân bị rắn cắn đến tím tái mặt mày, nói không được, bệnh viện trả về.

    Chúng tôi tìm đến gia đình em Nguyễn Thị Rô Sa Lem (SN 1996) ở thôn 9, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn để được nghe nạn nhân kể lại giây phút sinh tử. Sa Lem cho hay, năm 2013 em cùng với mẹ ra vườn khi trời tối, bất ngờ bị vật lạ chích vào chân. Nghĩ chỉ là sự va quệt nhẹ vào cây cỏ nên không để ý.

    Sau khi về nhà được 15 phút, em thấy khó chịu trong người, toàn thân tím tái, bụng đau cồn cào, chân sưng to. Gia đình kiểm tra thì thấy ở chân Sa Lem có 2 vết răng của rắn và lớp dung dịch màu vàng chảy ra. Biết bị rắn độc cắn nên gia đình nhanh chóng đưa đến nhờ ông Đào cứu giúp.

    Đến nhà "thần y" lúc nửa đêm, toàn thân em đã rã rời, không nói được. Ông Đào nhanh chóng pha một bài thuốc để kiềm chế độc tố phát tán. Sau khi kiểm tra, ông khẳng định rắn hổ chúa chính là thủ phạm tấn công nữ sinh này.

    Ông lão 'khắc tinh' của rắn độc ở Tây Nguyên
    Em Sa Lem từng được ông Đào cứu sống khi bị rắn độc cắn.

    "Lúc biết mình bị rắn cắn, em nghĩ đến cảnh sẽ chết hoặc ít nhất cũng bị cưa một chân. Nhưng được bác Đào chạy chữa khoảng 1 tuần thì em bình phục hoàn toàn", Sa Lem kể.

    Một trường hợp khác được ông Đào chữa trị kịp thời là cụ bà Nguyễn Thị Năm (85 tuổi, ở thôn 10, xã Tân Hòa) 2 lần bị rắn độc cắn đến thập tử nhất sinh.

    Lần thứ nhất, cụ Năm đi ra vườn lúc trời vừa mưa xong thì gặp con rắn cạp nia. Chưa kịp phản ứng thì cụ bị nó tấn công vào mu bàn chân. Thấy cụ kêu la, người thân chạy ra đưa vào nhà. Khoảng 5 phút sau, cụ Năm lịm đi, toàn thân cứng đơ không cử động được.

    Nghĩ rằng cụ đã chết, người thân trong nhà khóc than thảm thiết. Nhưng khi uống thuốc của ông Đào khoảng 30 phút thì thấy trên cơ thể cụ có sự chuyển biến, dần cử động được, mấp máy môi và mặt mày bớt tím tái. Sau 2 tuần được "thần y" điều trị, cụ Năm thoát khỏi bàn tay tử thần.

    Vài tháng sau, cụ Năm lại bị rắn hổ chúa tấn công. "Lần thứ 2 bị rắn độc cắn trong đêm khuya, nhưng bác Đào vẫn xuống tận nhà tôi giải độc. Lúc ấy nghĩ mình lớn tuổi, sức đề kháng yếu, dù có tài năng đến mấy thì bác ấy cũng 'bó tay', nên tôi gọi con cháu lại dặn dò. Nhưng sau một đêm được bác Đào tận tình cứu chữa, tôi lần thứ 2 thoát chết trong gang tấc", cụ Năm kể.

    "Sau đó, con cháu tôi sang tạ ơn thì bác ấy từ chối và nói "cứu người là bổn phận của người thầy thuốc" khiến gia đình tôi cảm động vô cùng", cụ Năm cho biết.

    Tiền công là hũ rượu

    "Thấy người bị rắn cắn nguy kịch, mình biết bài thuốc thì chữa cho họ, không thể thấy chết mà không cứu", ông Đào chia sẻ. Trong xóm, xã, huyện,... ai bị rắn cắn đều tìm đến nhờ ông giúp. Luôn tâm niệm lời dạy của thầy, nên ông chữa bệnh mà không lấy tiền.

    Ông lão 'khắc tinh' của rắn độc ở Tây Nguyên
    Dù đã 70 tuổi nhưng "thần y" Đào vẫn hàng ngày nghiên cứu các bài thuốc.

    Có lần ông được mời xuống Sài Gòn để chữa cho 1 nạn nhân bị rắn hổ chúa cắn. Người này từng bị bệnh viện trả về. Cứu thành công, ông được gia đình nạn nhân hỏi bao nhiêu tiền? Nhưng ông từ chối: "Nếu trị bệnh vì tiền thì tôi đã ở nhà lầu, đi xe hơi rồi!".

    Ông Đào cho biết, có nhiều nạn nhân bị rắn cắn phần vì nhà ở xa, phần vì gia cảnh khó khăn nên có khi họ ở lại nhà ông cả tháng để chữa trị. Mỗi ca bệnh, tiền công của ông chỉ là hũ rượu, ít thịt tươi, con gà vịt… Như thế là ông thấy vui rồi.

    Đối với ông, cứu một người là làm phúc cho 1 người, làm phúc cho càng nhiều người thì tâm càng thanh thản.

    Mặc dù đã gần 70 tuổi, nhưng ông Đào vẫn miệt mài vượt hàng trăm cây số xuống huyện M'Đrắk (Đắk Lắk) vào rừng sâu tìm cây thuốc chữa rắn độc cắn. Với ông, ngày nào còn sức thì còn đi tìm thuốc cứu người.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-lao-khac-tinh-cua-ran-doc-o-tay-nguyen-a36425.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan